10 năm chưa có lời giải về vụ ám sát nữ Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto

ANTD.VN - 10 năm sau khi cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto - người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt một quốc gia Hồi giáo bị giết ở Rawalpindi, những câu hỏi chưa được giải đáp về vụ ám sát bà vẫn làm dấy lên bao nhiêu nghi ngờ không có hồi kết.

Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto phát biểu với những người ủng hộ bà tại Islamabad ngày 9-11-2007

Đầu năm nay, 2 nhân viên cảnh sát đã bị buộc tội thiếu trách nhiệm để xảy ra tội phạm và bị kết án 17 năm tù. Họ là những người duy nhất bị kết án trong vụ ám sát, trong khi các báo cáo đều khẳng định một kế hoạch chi tiết được sắp xếp để kẻ sát nhân nổ súng giết chết bà Bhutto bằng viên đạn trúng phần cổ và một tên khác lao lên kích hoạt khối thuốc nổ mang trong người cướp đi 24 mạng sống khác. Đến nay chưa có bằng chứng kết luận cá nhân hay tổ chức nào thực hiện vụ ám sát và câu hỏi tại sao lại nhằm vào bà Benazir Bhutto vẫn chưa có lời giải đáp. Một số giả thuyết đưa ra được cho là thuyết phục nhất.

Thanh trừng nội bộ

Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị một kẻ đánh bom tự sát chỉ mới 15 tuổi tên Bilal sát hại vào ngày 27-12-2007. Lúc đó, bà vừa hoàn thành bài phát biểu vận động tranh cử ở Rawalpindi thì thiếu niên này tiếp cận đoàn xe, nổ súng vào bà và kích nổ bom liều chết. Bilath thực hiện vụ ám sát này theo lệnh của nhóm khủng bố Taliban tại Pakistan (TPP).

Ngay sau vụ ám sát, 5 nghi phạm bị bắt giữ đều thú nhận giúp tên Bilath ám sát bà Bhutto theo lệnh của TPP. Lập tức, Chính phủ của Tổng thống Pervez Musharraf đổ lỗi cho lãnh tụ Taliban tại Pakistan - Baitullah Mehsud. Nhưng tên này chối không chỉ đạo bất cứ sự can thiệp nào tới vụ việc. Mehsud bị giết trong một cuộc không kích của máy bay không người lái của Mỹ vào năm 2009.

Bà Bhutto là người đấu tranh quyết liệt nhất với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong nước. Bà bị đe dọa bởi Al Qaeda, Taliban và các nhóm người Hồi giáo địa phương và thậm chí bởi chính các tổ chức chính thức của Pakistan. Nhưng các nhà điều tra phần lớn tập trung vào các nhóm chiến binh cấp thấp. Họ ít quan tâm đến hệ thống phân công nhiệm vụ trong việc lập kế hoạch, tài trợ và thực hiện vụ ám sát. Trong khi đó, để tiến hành được vụ ám sát có quy mô, tính chính xác cao, ngay trong vòng bảo vệ sát sao của lực lượng an ninh Pakistan thì không thể một nhóm nhỏ có thể thành công được.

Cựu Tổng thống Pervez Musharraf bị cáo buộc âm mưu giết bà Bhutto - đối thủ chính trị của mình

Từ chính lập luận này, ông Musharraf bị cáo buộc là một phần trong tổng thể âm mưu để bà Bhutto - đối thủ chính trị của ông bị giết trước cuộc bầu cử. Vào năm 2013, Tòa án Pakistan đã chính thức buộc tội ông Musharraf về vụ giết người trong một động thái chưa từng có trước đó đối với một cựu tướng quân đội.

Ông Musharraf đã trốn khỏi Pakistan vào năm 2016 và sống lưu vong. Đầu năm nay, ông Musharraf tuyên bố sẽ quay trở về để đối diện với tòa án trong vụ án giết người. Trong phiên xét xử của tòa án chống khủng bố ở Rawalpindi, tòa đã không kết án 5 nghi phạm và cựu Tổng thống Musharraf cũng thoát án trong vụ án này. Hiện 5 nghi phạm liên quan TPP vẫn còn đang bị giam giữ trong khi chờ giải quyết mọi khiếu nại. 

Báo cáo của Liên hợp quốc kết luận, chính quyền của ông Pervez Musharraf chịu trách nhiệm vì không đảm bảo an ninh cần thiết ngăn chặn vụ tấn công

Kết luận của Liên hợp quốc

Theo yêu cầu của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) sau vụ ám sát, một nhóm gồm 3 thành viên của Liên hợp quốc được cử đến điều tra vụ giết người. Trong báo cáo 70 trang công bố năm 2010, Liên hợp quốc đã kết luận, với quyền hạn là Tổng thống Pakistan, ông Musharraf phải chịu trách nhiệm vì đã không đảm bảo an ninh đến mức cần thiết cho bà Bhutto. 

Nhóm nghiên cứu cũng đã trích dẫn rất nhiều sai sót của cảnh sát trong quá trình điều tra mà đáng ra cảnh sát phải thực hiện một cách đúng đắn và bảo vệ toàn vẹn hiện trường vụ án. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công, viên cảnh sát dày dặn kinh nghiệm Khurram Shahzad đã dùng ống nước rửa sạch hiện trường vụ án. Ông Khurram Shahzad là 1 trong 2 sĩ quan bị kết án. Cảnh sát trưởng thị trấn RawalpindiSaud Aziz là người thứ hai mắc lỗi khi nhiều lần từ chối không cho phép khám nghiệm tử thi bà Bhutto làm cản trở tiến trình điều tra.

Cảnh sát nói với nhóm của Ủy ban Liên hợp quốc rằng họ chỉ thu thập được 23 bằng chứng từ hiện trường. Trong khi trường hợp như vụ án này người ta thường thu được hàng nghìn mẫu vật và chứng cứ”, báo cáo của Liên hợp quốc nêu rõ. Ngoài ra, nhóm Liên hợp quốc cũng ám chỉ có điều gì đó ngoài sự thiếu năng lực của cảnh sát và nói rằng cuộc điều tra chính thức có thể khiến cơ quan an ninh bị quy trách nhiệm. Thế nên cuộc điều tra của Chính phủ chỉ dừng lại ở việc đặt tên các nghi phạm âm mưu giết Bhutto, còn trách nhiệm đẩy cho tòa án ở Pakistan. 

Người ủng hộ bà Benazir Bhutto đau đớn tột cùng khi nghe tin bà bị ám sát

Thuyết âm mưu

Sau cái chết của bà Bhutto, ông Asif Ali Zardari - chồng bà Bhutto lên nắm quyền lãnh đạo PPP và được bầu làm Tổng thống. Nhưng ông Zardari cũng không thành công trong việc làm sáng tỏ những bí ẩn đằng sau vụ giết người cũng như thu thập những bằng chứng cho cáo buộc mới về âm mưu này.

Sự suy đoán tiếp tục được thúc đẩy sau khi trợ lý cấp cao của Tổng thống Zardari - ông Bilal Sheikh bị một kẻ đánh bom tự sát giết chết tại Karachi vào năm 2013. Ông Sheikh phụ trách an ninh cho bà Bhutto từ khi bà trở lại Karachi vào tháng 10-2007. Các cuộc tấn công bằng bom nhắm vào bà Bhutto trước thời điểm xảy ra vụ ám sát từng giết chết 150 người cho thấy dường như công tác đảm bảo an ninh của ông Sheikh có vấn đề.

Đại sứ Chile tại Liên hợp quốc Heraldo Munoz, Trưởng đoàn điều tra của Liên hợp quốc nói: Thật nực cười khi tưởng tượng rằng ông Asif Ali Zardari lại dính líu đến cái chết của bà Bhutto. Al Qaeda muốn bà Bhutto chết, còn Taliban thực hiện vụ tấn công, có thể với sự hỗ trợ của các gián điệp giả mạo trong hàng ngũ nhân viên an ninh, còn cảnh sát địa phương đã sắp xếp che đậy theo lệnh đến từ phía trên. Ông Munoz lập luận và nói thêm rằng, lực lượng an ninh của bà Bhutto đã thất bại và những người khuyến khích bà trở về Pakistan đã không bảo vệ bà.

Tình cảm của người dân sau 10 năm ngày mất của bà Benazir Bhutto

Những lời đồn đoán khác hướng về phía vệ sĩ đáng tin cậy của bà Bhutto, ông Khalid Shahensha. Các đoạn video cho thấy ông Shahensha có những cử chỉ kỳ lạ như thể đang lúng túng ngay trên bục mà bà Bhutto diễn thuyết trước thời khắc bị bắn chết. Nhiều tháng sau vụ ám sát, Shahensha đã bị bắn chết bí ẩn ở Karachi. Ngày 28-12-2007, phi cơ C-130 chở thi thể của bà Benazir Bhutto hạ cánh xuống vùng đất quê hương tại tỉnh Sindh.

Người thân chuẩn bị cho việc chôn cất bà trong khu mộ của gia đình. Bà Bhutto được chôn cạnh ngôi mộ của người cha mình - ông Zulfikar Ali Bhutto - Thủ tướng đầu tiên của Pakistan được bầu theo thể chế dân chủ. Ông Zulfikar Ali Bhutto cũng là người sáng lập Đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Sự nghiệp chính trị của ông cũng đã kết thúc sớm khi ông bị chính quyền quân sự của Tướng Zia-ul Haq treo cổ.