1/4 thế kỷ đi tìm mộ chồng

ANTĐ - Năm 1964, chị khoác áo cô dâu về nhà chồng. Hơn một năm sau, khi cô con gái vừa kịp chào đời thì anh lên đường nhập ngũ. Kể từ thời điểm ấy, chị vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại anh ngoài cái tin anh hy sinh ở chiến trường… 

Cho đến ngày mẹ chồng chị nhắm mắt, bà vẫn thổn thức với con dâu “mẹ chỉ ước một lần được chạm tay vào dù chỉ một miếng xương khô trên thân thể con trai mà cũng không được. Mẹ không chờ được nữa rồi”. Để mẹ già yên tâm nhắm mắt, chị nuốt nước mắt hứa với bà sẽ cố gắng tìm hài cốt anh để đưa anh về an nghỉ tại quê nhà. Thế nhưng, ngàn dặm xa thương nhớ với hơn chục năm lăn lộn ở miền Đông Nam Bộ, làm đủ nghề để có tiền tiếp tục hành trình đi tìm mộ chồng mà dường như cuộc đời vẫn thử thách lòng kiên trung của chị…

Người phụ nữ ngồi trước mặt tôi đã bước qua tuổi lục tuần, suốt ngày vò võ bên dòng Ninh Giang. Sau phút e dè về cuộc viếng thăm bất ngờ của tôi, chị cũng cởi mở về những tâm sự mà bao nhiêu năm qua nó luôn đè nặng trong tâm trí mình. Ngày chị sinh, các chiến sỹ cách mạng đang họp dưới hầm nghe tiếng khóc đứa trẻ liền đặt cho đứa bé ấy tên là Trang Chính  (Trang trong từ trang sử mới và Chính trong từ chính nghĩa), họ tên đầy đủ của chị là Trần Thị Trang Chính. Ngày chị tiễn chồng lên đường cùng với 600 đồng chí khác là ngày quê nhà nắng như đổ lửa. Cái nắng tháng tư cùng với khí thế rừng rực của trai tráng tuổi đôi mươi cứ sục sôi truyền cả sang những người đưa tiễn. Anh Hưởng (chồng chị) ôm vợ và cô con gái bé bỏng vào lòng, nghẹn ngào hẹn ngày hòa bình cả gia đình đoàn tụ. Thế nhưng, giây phút hạnh phúc ấy đã không kịp đến khi anh hy sinh ở chiến trường vào một ngày cuối năm 1971, sau 6 năm chia tay vợ hiền bên bến Ninh Giang. 

Khi cầm tờ giấy báo tử trên tay, chị ngồi như hóa đá nhìn cô con gái chạy lon ton trong khoảnh sân nhỏ, rồi bật khóc vì sự tàn khốc của chiến tranh. Vật vã, khổ đau, tuyệt vọng rồi cũng qua đi, chị lẳng lặng cùng bố mẹ chồng vượt qua bi kịch trước mắt để cố gắng nuôi giọt máu duy nhất của anh trưởng thành. Những lúc rảnh việc đồng, chị lại lân la tới các xã bên cạnh, tìm những người đi lính cùng thời điểm để hỏi thăm tin tức của chồng, hy vọng có ai đó biết nơi anh hy sinh nhưng tất cả đều lắc đầu xót xa. Thương người con dâu hiếu thảo sớm góa bụa nên mẹ chồng chị nhờ bà con mai mối để con dâu đi bước nữa nhưng chị khước từ. Chị bảo “con chỉ có một người chồng là anh Hưởng. Nay anh hy sinh con nguyện sẽ thay anh phụng dưỡng cha mẹ chu toàn”, nghe con dâu nói, bà lại ngoảnh mặt quay đi, dấu những giọt nước mắt thương đau sau vạt áo bạc màu.

Sau hơn 10 năm anh hy sinh, chị cũng tìm được tung tích anh qua lời một người lính trở về từ chiến trường miền Đông. Khi nhìn thấy chị, người đồng đội của anh đã để lại “Hưởng mất ở Bệnh viện Bắc Sơn, vùng đất giáp ranh giữa Campuchia và huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước em ạ. Hôm đó anh vào bệnh viện thăm cậu học trò và gặp Hưởng ở đó. Cậu ấy bị thương rất nặng”. Anh viết cho chị một bức thư và bảo chị mang vào Sài Gòn đưa cho chỉ huy trung đoàn năm xưa…

Ở thời điểm những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, phương tiện đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, bằng niềm tin sắt son của mình, người đàn bà ấy vẫn mang lá thư vào Sài Gòn trong một chiều cuối tháng 10/1988. Sau mấy ngày chuyển xe khách liên tục, chị cũng có mặt ở Sài Gòn. Khi tìm được đến nhà vị Tướng già theo địa chỉ trong thư, chị hạnh phúc đến trào nước mắt. Vị Tướng già cầm bức thư chị đưa đọc một mạch hết và viết ngay một bức thư khác, bảo chị mang vào đơn vị cũ của chồng, gửi cho chỉ huy trưởng Trung đoàn 141 - sư đoàn 7 - quân đoàn 4 đang đóng quân ở Bình Phước. Thế nhưng khi vào đến nơi thì khu rừng năm xưa giờ giao cho địa phương quản lý, sau giải phóng, tất cả mộ trong rừng đều được đưa vào các nghĩa trang để hương khói. Trung đoàn cho người chở chị đến nghĩa trang Phước Long, chị lần từng bia mộ những không hề có tên anh. Sau khi chia tay anh em trong Trung đoàn, chị tiếp tục những chuyến xe khách sang nghĩa trang Bình Long nhưng kết quả cũng không như mong đợi. Cho đến khi lên nghĩa trang Lộc Ninh mà tên anh vẫn mờ xa thẳm, chị dừng lại thắp hương cho từng đồng đội của chồng rồi sau đó lại bắt đầu cuộc tìm kiếm mới. 

Sau đó, chị qua nghĩa trang Đồng Xoài, vòng sang nghĩa trang Bù Đăng, ngược lên nghĩa trang Bù Đốp… nhưng tất cả đều không có tên liệt sỹ Nguyễn Văn Hưởng. Đến lúc này, chị đành phải chuyển hướng tìm đồi Bắc Sơn nhưng không ai biết. Nhiều người dân địa phương bảo: “Từ ngày giải phóng, chị là người đầu tiên hỏi về nơi ấy”. Cũng có người bảo “Có thể đồng đội của liệt sỹ Hưởng nhớ nhầm chứ không có địa điểm nào mang tên Bắc Sơn”. May mắn mỉm cười khi chị tới Bù Gia Mập và gặp được ông Ba Rui, một người dân tộc Xtieng từng làm giao liên ở đồi Bắc Sơn xưa. Ông bảo rằng “Đồi Bắc Sơn là một căn cứ bí mật nên ít người biết”. Cuộc nói chuyện ngắn với Ba Rui mới giúp cho chị phát hiện ra rằng, đồi Bắc Sơn xưa chính là khu rừng cấm Quốc gia của Đồn biên phòng 785. Chị phải quay lên Sài Gòn xin giấy của Bộ tư lệnh rồi mới được phép vào rừng. Đồn trưởng Đồn biên phòng 785 cử hai bộ đội cùng hai người dân quân của xã tháp tùng chị và Ba Rui vào rừng cấm để tìm dấu tích người xưa. Vị đồn trưởng dặn thuộc cấp của mình: “Trong rừng thổ phỉ nhiều, bằng mọi giá, các anh em phải bảo vệ bác Chính…”.

Sau 6 tiếng đi bộ, trời đã nhá nhem tối mà con đường dọc biên giới vẫn còn xa thăm thẳm. Thức ăn mang theo một ngày đã cạn. Đêm ấy, họ đành ngủ lại giữa rừng chờ trời sáng mới trở về đồn. Sau một tuần nghỉ ngơi, chị tiếp tục cùng mọi người trở lại con đường cũ. Họ vừa đi vừa mở đường, băng qua những con suối cạn, suối dây, chống chọi với muỗi và vắt, ngày tìm, đêm mắc võng ngủ, và bất ngờ họ nhìn thấy những hầm chữ Y, hầm chữ A… đặc biệt có cả giao thông hào. Tuy nhiên, do lúc đó thức ăn mang theo đã hết nên mọi người đánh dấu rồi trở ra. 

Lần xuất phát thứ ba đơn giản hơn, mọi người đi thẳng đến chỗ đánh dấu với một nửa thời gian của chuyến đi trước. Rồi vừa tìm kiếm, vừa dọn đường, cuối cùng họ lên được giữa đồi cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Trong lúc nghỉ trưa, mọi người nhìn thấy một con bướm đậu ngay trên mũ của chị rồi bay thẳng về phía trước. Chẳng hiểu có phải tâm linh hay không nhưng tất cả đều đi theo và bất ngờ phát hiện gần đó có nhiều phiến đá phẳng được xếp vuông bốn góc. Nhìn lên mặt phẳng của sườn đồi, họ thấy có rất nhiều những tấm đá phẳng được chôn một cách kỳ lạ... Linh tính mách bảo chị "đây là nơi các liệt sỹ đang nằm". Chị bàn với mọi người thử đào một góc lên xem rồi phát hiện một tấm bia đá có ghi chữ, nhưng đất đá và rêu đã phủ kín, chị hái lá rừng lau và thấy hiện lên mấy chữ viết tắt rồi lấy giấy bút ghi lại mang ra ngoài. Khi đối chiếu thì thật bất ngờ những dòng chữ ấy chính là dấu tích của liệt sỹ Nguyễn Văn Tuân, quê ở Quảng Thủy (Quảng Trạch, Quảng Bình). Chị đã thông báo lại cho thân nhân anh Tuân. Sau chuyến đi ấy, Bình Phước mưa liên miên nên chị buộc phải dừng cuộc tìm kiếm. 

Trong thời gian chờ đợi, chị đi làm thuê rồi lân la dò hỏi các thông tin về đơn vị của chồng. Rồi chị phát hiện ra rằng mỗi đơn vị đều có sơ đồ chôn cất các liệt sỹ. Sau bao nhiêu năm sơ đồ đó vẫn được lưu giữ rất cẩn thận tại địa phương. Nghĩ đến sự hy sinh của chồng và các liệt sỹ mà đến giờ vẫn phải nằm lại nơi rừng thiêng nước độc, không người khói hương chị thấy chạnh lòng… Nhưng rồi chị hiểu đồi Bắc Sơn năm xưa giờ là một đường biên giới với diện tích 15 hecta, đường đi hiểm trở, thổ phỉ luôn rình rập, nên việc đưa hài cốt các liệt sỹ ra ngoài không phải chuyện đơn giản.

Tháng 7/1998- sau hơn 10 năm lặn lội khắp Bình Phước, chị trở ra Bắc mang theo toàn bộ sơ đồ về các mộ liệt sỹ và gửi tới Cục chính sách, Tổng cục Chính trị. Cục chính sách đã lưu lại hồ sơ và cử cán bộ vào bàn giao cho Quân khu 7. Quân khu 7 đã phối hợp với các đơn vị vào cất bốc hài cốt liệt sĩ, đưa về mai táng ở các nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên, do đây là địa bàn phức tạp, trong chiến tranh diễn ra ác liệt, bộ đội hy sinh nhiều, trạm xá lại đón nhận rất nhiều thương binh nặng của nhiều đơn vị nhập viện trong điều kiện thiếu giấy tờ nên nhiều trường hợp thiếu sơ đồ mộ chí (nếu có thì cũng không thật chính xác). Vì vậy, việc xác minh danh tính của từng liệt sĩ là rất khó khăn. Tháng 9/1999, chị quay trở vào Phước Long và ở tiếp 3 năm để tìm hài cốt chồng, thế nhưng càng kiếm càng vô vọng. Lúc bấy giờ, gia đình ở quê xảy ra một vài biến cố nên chị phải quay ra Bắc. Trong 13 năm ấy, chị cần mẫn làm thuê để lấy tiền chuẩn bị lương thực cho người vào rừng tìm mộ chồng, dù chưa tìm ra nhưng đã đem lại niềm vui cho nhiều gia đình, đặc biệt là phần mộ và sơ đồ của 587 liệt sỹ đã từng ngã xuống trên đồi Bắc Sơn năm nào…

Ở vào tuổi gần 70, hàng năm chị vẫn giành thời gian vào chiến trường xưa để tìm mộ chồng với ước nguyện lớn nhất là có thể đưa chồng về yên nghỉ trên đất mẹ Nam Định. Dường như số phận vẫn còn thử thách lòng kiên trung của của người phụ nữ ấy. Thế nhưng chị bảo với tôi rằng nếu còn sức khỏe chị sẽ không bỏ cuộc. chị luôn có một niềm tin sắt đá là sẽ tìm được mộ anh. lúc nào chị cũng tin rằng mình đang ở rất gần chồng…