Xe ô tô ở hầm chung cư "bơi" trong biển nước: Trách nhiệm thuộc về ai?

ANTĐ - Hàng loạt ô tô, xe máy… gửi trong hầm chung cư đến các bãi trông giữ xe bỗng nhiên gặp mưa “bơi” trong biển nước, xe hư hỏng nặng nhưng trách nhiệm khắc phục hậu quả thuộc về ai vẫn đang là vấn đề được dư luận quan tâm sau trận mưa như trút nước từ đêm 24 đến sáng 25-5.

Xe ô tô ở hầm chung cư "bơi" trong biển nước: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1Việc xác định trách nhiệm bồi thường tài sản là những chiếc ô tô bị ngập nước trong các tầng hầm chung cư hay bãi trông giữ xe luôn là vấn đề “nóng” giữa các bên 

Bỗng dưng thành... phao nổi

Trận mưa lớn kéo dài liên tục từ 23h ngày 24-5 đến 4h30 sáng 25-5 đã khiến cho nhiều tuyến phố, chung cư khu vực phía Nam và Tây Nam thành phố bị ngập nước. Cơn mưa với lượng nước lớn có những chỗ đo được 200 mm, đã làm hư hại nhiều tài sản, trong đó có xe ô tô gửi ở các hầm chung cư, bãi trông giữ xe. Điều đáng nói, những xe ô tô của người dân bị ngập nước dẫn đến hư hỏng, nhưng trách nhiệm của đơn vị trông giữ, chủ đầu tư, hay hãng bảo hiểm… vẫn chưa được phân định.

Câu chuyện và những lời than của nhiều chủ sở hữu phương tiện bị ngập nước đã được chia sẻ, đăng lên trang mạng xã hội (facebook), đặc biệt là trên diễn đàn otofun và otofun.net, trong đó một nick name trên diễn đàn chia sẻ chiếc xe Mercedes - Benz đắt tiền gửi dưới tầng hầm khu chung cư Mễ Trì Hạ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị nước ngập quá nắp ca-pô. Sau khi xe được đưa đến gara kiểm tra, chủ sở hữu được nhân viên gara thông báo về mức chi phí sửa chữa chiếc xe là khá cao. Đã thế, xác suất thành công chỉ 50/50. 

Còn tại khu dân cư ở tòa nhà CT12 Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), nhiều chủ phương tiện là những chiếc ô tô để quanh tòa nhà cũng gặp phen “ngậm đắng” khi sáng sớm phải chứng kiến những chiếc xe đắt tiền của mình đang “bơi” trong biển nước. “Tiền thay thế, khắc phục linh kiện cho xe lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng mà chúng tôi vẫn còn lo lắng về chất lượng sử dụng sau này. Để đi thì sợ, bán chẳng biết có ai mua hay không”, anh Nguyễn Văn D. một cư dân sống tại tòa nhà CT12 cho biết.

Cùng với anh D., chị Nguyễn Thị H. sống tại tòa nhà Simco Sông Đà ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cũng ái ngại trước tình huống này. Chiếc xe ô tô của chị cũng đã được “ngâm  nước” hàng chục giờ đồng hồ. Khi xe được cứu hộ đưa về gara, nhân viên cho biết,  do là xe thế hệ mới nên nhiều cảm biến, mạch điện tử… bị  hỏng phải thay thế, khoản chi phí không hề nhỏ. Nửa tiếc của, nửa bực mình chị H. tìm đến người trông giữ xe thì họ đổ cho bên bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Duy Điền - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Hạ Đình (chủ đầu tư tòa CT12 Văn Phú) khẳng định, tầng hầm của tòa chung cư không bị ngập nước, không có thiệt hại nào về việc ô tô bị ngập nước nên công ty không chịu trách nhiệm, còn nếu có thiệt hại thì sẽ có đơn vị bảo hiểm đứng ra lo vì công ty đã chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho cư dân. Đối với những xe bị ngập nước để ở nơi thuộc đơn vị quản lý khai thác điểm đỗ, đây là trách nhiệm giữa bên gửi và bên nhận trông giữ xe với nhau, không thuộc Ban quản lý tòa nhà.

Luật quy định rõ trách nhiệm

Đại diện Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, trong ngày 25-5, bộ phận Bảo hiểm xe cơ giới của hãng đã tiếp nhận cả trăm khách hàng có xe bị ngập nước. Hãng đã phải huy động toàn bộ nhân viên cứu hộ, giám định viên khẩn trương hỗ trợ khách hàng đưa xe về gara để khắc phục sự cố,  hạn chế tối đa thiệt hại. “Trong trường hợp xe không may bị thủy kích thì PTI sẽ thanh toán tiền sửa chữa, thay thế theo đúng các điều khoản đã cam kết với khách hàng”, đại diện hãng bảo hiểm này cho biết.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với trường hợp người mua, người thuê căn hộ, mua hoặc thuê mua chỗ để xe thì chỗ để xe thuộc quyền sở hữu của họ. Do đó, khi trời mưa nước ngập hầm xe thì trách nhiệm thuộc về những người này, còn đối với những người mua bảo hiểm xe thì công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm. Đối với trường hợp, người mua, người thuê mua chỉ mua, thuê căn hộ mà không mua hoặc không thuê mua chỗ để xe, thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và khi nước ngập chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm.

Trong trường hợp người gửi và người nhận trông giữ tài sản nếu không có hợp đồng cụ thể trong việc cam kết đảm bảo tài sản, thì khi xảy ra tranh chấp được áp dụng theo Bộ luật Dân sự. Cụ thể, tại Điều 559 - Bộ luật Dân sự quy định về “Hợp đồng gửi, giữ tài sản”.

Theo đó, “Hợp đồng gửi, giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên và bên giữ, nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi, giữ không phải trả tiền công”. Hợp đồng gửi, giữ tài sản là loại hợp đồng rất thông dụng trong giao dịch dân sự. Đối tượng của hợp đồng gửi, giữ tài sản là bất kỳ tài sản nào, từ những loại tài sản thông thường như xe đạp, xe máy, mũ bảo hiểm… đến những tài sản có giá trị lớn như hàng hóa, ô tô, nhà ở.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những tình huống như trên, trước hết cần xác định giữa chủ sở hữu của các tài sản (ô tô, xe máy)… có quan hệ gửi, giữ xe với chủ đầu tư hay ban quản lý tòa nhà hoặc nơi trông giữ hay với tổ chức, cá nhân nào khác không?

Việc xác định căn cứ vào việc cư dân của chung cư này đã đóng phí gửi, giữ xe cho tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì lúc này giữa các bên đã xác lập hợp đồng gửi, giữ tài sản theo Điều 559 - Bộ luật Dân sự, kể cả có là ký kết hợp đồng có quy định cụ thể điều, khoản giữa các bên, hay hợp đồng không quy định rõ trách nhiệm giữa các bên nhận trông, gửi và thậm chí hợp đồng được các bên giao dịch bằng miệng.

Quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản

Điều 562 - Bộ luật Dân sự quy định “Nghĩa vụ của bên giữ tài sản”: Bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời, thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi, giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.