Việt Nam hút khách Tây Âu

ANTĐ - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8-2015 ước đạt 664.985 lượt khách, tăng 12,0% so với tháng 7-2015 và tăng 7,5% so với tháng 8 cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp khách quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại. 
Việt Nam hút khách Tây Âu ảnh 1

Việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khiến du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh

Hiệu ứng kích cầu bắt đầu lan tỏa 

Lượng khách quốc tế tăng trở lại trong 2 tháng liên tiếp khiến ngành du lịch thở phào nhẹ nhõm sau 13 tháng trước đó làm ăn buồn tẻ. Khách đi theo mô hình MICE - du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện - được xem như một tín hiệu khả quan giữa bối cảnh nền kinh tế, cũng như ngành du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Jackie Han, CEO của VietnamEvents (thành viên của Hoabinhgroup) cho biết, qua hai quý đầu năm 2015, lượng khách MICE của Hoabinhgroup tăng lên khá nhanh. So với cùng kỳ năm ngoái, thị trường MICE nội địa tăng lên khoảng 15%, riêng thị trường MICE nước ngoài có thể tăng tới 20-25%. Tăng trưởng trong thị trường khách MICE cũng tương tự đối với nhiều công ty lữ hành lớn như Vietravel, Fiditour... 

Đánh giá về xu hướng trên, một số chuyên gia du lịch cho biết sự tăng trưởng tốt của du lịch MICE thú vị ở chỗ, không chỉ các doanh nghiệp ngoại mà nhu cầu MICE của các doanh nghiệp nội cũng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp lớn và trung bình của Việt Nam đã dần chuyển hình thức đi du lịch đơn thuần sang loại hình du lịch kết hợp hội nghị, trao thưởng và tìm kiếm đối tác, mở rộng cơ hội giao thương, làm ăn. Bên cạnh đó, các thị trường góp phần làm tăng trưởng du lịch MICE phải kể đến đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... 

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, nhóm thị trường khách 5 nước châu Âu vừa được Việt Nam miễn thị thực có dấu hiệu tăng trưởng mạnh so với tháng trước: Tây Ban Nha tăng 159,3%; Italia tăng 141,4%; Đức tăng 54,1%; Pháp tăng 25,8% và Anh tăng 25,5%. Điều đó cho thấy một số chính sách nhằm kích cầu du lịch đã bắt đầu lan tỏa.

Dấu hiệu tăng trưởng này  có thể sẽ thấy rõ rệt hơn trong vài tháng tới, bởi đây là thời điểm nhiều quốc gia sắp bước vào kỳ nghỉ đông, đồng thời có nhiều dịp lễ như Giáng sinh, năm mới với những kỳ nghỉ dài ngày. Hơn thế, đây cũng là thời điểm chính sách miễn visa của Việt Nam đối với 5 quốc gia châu Âu bắt đầu được biết rộng rãi hơn, một yếu tố góp phần giảm thủ tục hành chính và thiết thực giảm giá tour đối với du khách Bắc Âu. 

Nghĩ tới lợi ích lâu dài

Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục trong những tháng cuối năm, mang lại tin vui cho du lịch Việt Nam. Và chính sách miễn thị thực của Việt Nam dành cho nhóm 5 nước châu Âu và Belarus đã tạo được sự thân thiện, cởi mở tâm lý và thu hút một lượng lớn du khách từ các nước này. Song song với đó, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ các công ty lữ hành cũng là một yếu tố góp phần thu hút du khách quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thời gian miễn visa chỉ kéo dài 1 năm sẽ khó tạo nên được chuyển biến lớn. Ông Vũ Thế Bình phân tích, do khách du lịch từ các thị trường được miễn thị thực này đều ở rất xa Việt Nam, nên sẽ phải lập kế hoạch đi Việt Nam trước khoảng 3 - 6 tháng.

Chưa kể, để du khách tiếp cận được với thông tin mới từ cơ quan chức năng của Việt Nam, cũng cần phải có thời gian để tuyên truyền, quảng bá thông tin qua đại sứ quán 5 nước tại Việt Nam, qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại 5 nước nói trên… Trong khi đó, với chính sách miễn thị thực mới, hiệu quả bước đầu sau khi thông tin Việt Nam miễn visa cho du khách Bắc Âu được phổ biến đến thị trường nước bạn, thường có độ trễ và sẽ phát huy từ khoảng quý IV năm 2015.

Lúc này cũng trùng với thời điểm bắt đầu vào mùa khách du lịch quốc tế từ thị trường Tây Âu đến Việt Nam. Một số doanh nghiệp gửi khách quốc tế còn tỏ ra ngần ngại khi đưa ra kế hoạch dài hạn gửi khách du lịch đến Việt Nam, vì việc miễn visa chưa được xác định là dài hạn. 

Đánh giá du lịch là loại hình dịch vụ rất “khó tính”, chịu tác động lớn bởi “hiệu ứng đám đông”, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng tính đồng bộ trong từng khâu chuỗi của sản phẩm luôn chiếm giữ vị trí quan trọng. Vì thế làm du lịch là phải nghĩ tới lợi ích lâu dài chứ không phải lợi ích trước mắt. Đầu tư cho du lịch cũng vậy, không thể chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt mà kinh doanh chụp giật, chặt chém, lừa dối... 

Muốn theo đuổi một chiến lược phát triển du lịch đáp ứng được yêu cầu thời đại, chúng ta cần có tầm nhìn rộng, gạt bỏ những tư duy làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, ngắn hạn. Hy vọng, cú “lội ngược dòng” của du lịch Việt lần này sẽ còn được nối dài một cách bài bản hơn, tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn cho đất nước trong mùa cao điểm du lịch quốc tế năm nay.