Ước mơ “ngôi nhà tiếng Anh” của cậu bé bán bóng bay

ANTĐ - Mới chỉ học hết phổ thông thì phải ra Hà Nội mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, nhưng với niềm say mê tiếng Anh, chỉ một thời gian ngắn Phạm Minh Đáp đã tự học thành thạo tiếng Anh. Không những thế, Đáp còn tình nguyện mở các lớp học miễn phí cho những người có nhu cầu, tham gia rất sôi nổi vào các hoạt động xã hội.
Ước mơ “ngôi nhà tiếng Anh” của cậu bé bán bóng bay ảnh 1

Xin làm tình nguyện để được miễn vé vào bảo tàng… gặp Tây

Phạm Minh Đáp sinh năm 1990, trong một gia đình nông dân ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ngay từ hồi học cấp 2 Đáp đã phải thay cha mẹ trông nom 2 em để bố mẹ lên Hà Nội bán hàng rong. Vào mỗi dịp hè cậu cũng gửi các em cho ông bà nội để lên bán hàng phụ cùng bố mẹ. Dù gia đình nghèo nhưng những năm học phổ thông, Đáp có học lực tương đối khá, đặc biệt ngoại ngữ là môn học Đáp yêu thích và học rất tốt. Tốt nghiệp cấp 3, Đáp cũng ấp ủ được vào đại học, nhưng nghĩ đến việc bố mẹ phải bán đất để lấy tiền cho mình đi học, Đáp thôi và quyết định theo cha lên Hà Nội bán hàng rong. Công việc hằng ngày của Đáp là ra chợ Đồng Xuân, Hàng Mã lấy những mặt hàng như chong chóng, bóng bay, đồ chơi trẻ em rồi chở đến những khu vui chơi, giải trí để bán. Có điều lạ mà nhiều người qua đường phải để mắt, đó là dù phải vất vả mưu sinh với xe hàng rong từ sáng đến tối mịt nhưng thường xuyên trên tay cậu bé nhỏ thó, đen đúa này đều cầm những quyển sách tiếng Anh. 

Địa điểm bán bóng bay dạo của Đáp thường là các khu công viên, các bảo tàng, ở đó rất nhiều khách qua lại, trong đó có nhiều người nước ngoài. Đáp bảo hồi ấy rất nhiều bạn sinh viên lui tới các địa điểm vui chơi này, nhưng cứ gặp khách Tây hỏi đường thì nhiều bạn cứ lắc đầu nguầy nguậy vì không biết hoặc không tự tin vào khả năng nói tiếng Anh của mình. Đáp thì khác, dù vốn liếng tiếng Anh rất khiêm tốn nhưng cứ thấy người nước ngoài là Đáp lui tới làm quen, nói chuyện. “Nhiều người cũng thấy lạ lắm, vì một thằng bán bóng bay dạo nhưng cứ thấy Tây là “lao vào”, chả xấu hổ gì cả. Người Việt Nam mình học ngoại ngữ rất chắc về từ vựng, ngữ pháp nhưng đứng trước người nước ngoài lại rất mất tự tin, không dám nói chuyện vì sợ nói sai, thế nên khả năng giao tiếp rất kém. Thực ra thì chả ai bắt bẻ hay cười mình nếu mình nói sai, thậm chí họ còn thấy đó là điểm đáng yêu và sửa lại giúp mình nói đúng” - Đáp chia sẻ.

Chào hỏi, nói chuyện với người nước ngoài dường như đã trở thành một thói quen của Đáp, một ngày nếu không nói chuyện được với một người nước ngoài thì cậu cảm thấy “khó chịu”. Thấy bảo tàng Dân tộc học là chỗ có nhiều khách nước ngoài qua lại nhất, Đáp quyết định “cắm chốt” ở đây để… học tiếng Anh. Thế là ngoài việc bán bóng bay trước cổng bảo tàng, Đáp còn mua vé để được vào bảo tàng nói chuyện với khách nước ngoài. Thấy cậu bé bán bóng bay đã nghèo mà ngày nào cũng phải mua vé vào bảo tàng chỉ để được nói chuyện với Tây, chị làm trong bảo tàng đã “mách” Đáp đến xin làm tình nguyện viên cho bảo tàng để có được thẻ ra vào miễn phí. Thế là Đáp xin làm tình nguyện cho bảo tàng thật, mỗi tuần 3 lần Đáp vào bảo tàng dọn dẹp vệ sinh, dẫn đường cho khách du lịch, Đáp có thêm cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài.

Dạy tiếng Anh miễn phí cho nhiều người

Những việc làm thiện nguyện đến với Đáp rất tình cờ. Việc “lê la” ở khắp các công viên, bảo tàng, làm quen nói chuyện với Tây của Đáp từ khiến nhiều người ngạc nhiên đến thán phục. Nhiều bạn sinh viên thấy vậy thì cũng làm quen, trò chuyện với Đáp để tích lũy kinh nghiệm học tiếng Anh đồng thời kết nối với những người bạn nước ngoài mà Đáp quen. Cứ thế, các “lớp tiếng Anh di động” của Đáp được hình thành, lúc thì ngoài công viên, khi thì ở phòng trọ. Số bạn sinh viên đến nhờ Đáp dạy tiếng Anh ngày một đông. Hình thức học thì chả có giáo trình, chả có bàn ghế hay bài tập gì cả, chỉ đơn giản là hẹn hò, tụ tập nhau lại để nói chuyện bằng tiếng Anh, Đáp đưa ra các chủ đề để mọi người cùng thảo luận, trao đổi. “Thật ra thì các bạn sinh viên rất nhiều người muốn học tiếng Anh, em nghĩ một phần các bạn ấy không biết phương pháp học cho tốt, một phần cũng có thể nhiều người như em không có điều kiện đến các trung tâm học, mà bản thân nhiều trung tâm phương pháp dạy cũng không phù hợp nên nhiều bạn học mà không thu được kỹ năng gì”. Vì vậy, bất cứ ai có nhu cầu học tiếng Anh, Đáp đều không ngại dành thời gian để tư vấn, trò chuyện và “dạy” họ.

Phương pháp dạy của Đáp khiến nhiều người rất thích, bởi chỉ sau một thời gian ngắn, kỹ năng nghe nói, giao tiếp của họ khá lên rất nhiều. Cứ người này giới thiệu người kia, sau này không chỉ các bạn sinh viên mà ngay cả những người đi làm cũng tìm đến Đáp để học. Có người thì không lấy tiền, có người thấy Đáp vất vả thì cũng trả một vài trăm nghìn mỗi buổi. 

Sau này, chính những bạn sinh viên đã từng được Đáp dạy tiếng Anh lại đứng ra mở các câu lạc bộ tiếng Anh, họ đều nhờ Đáp tư vấn hoặc mời Đáp tham gia. “Hầu hết các câu lạc bộ tiếng Anh ở Hà Nội em đều “nhúng tay” vào” - Đáp tự hào. Công tác xã hội cũng ngấm dần vào Đáp từ đó, Đáp tham gia nhiều câu lạc bộ, không chỉ giúp các bạn sinh viên học tốt tiếng Anh mà còn truyền cho họ nghị lực học hỏi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Vay tiền mở “ngôi nhà tiếng Anh”

Đáp nhớ có lần đi làm về, bố đưa cho Đáp cuốn sách tiếng Anh rồi bảo: “Bố chẳng hiểu nó ghi gì, nhưng thấy mày hay học nên bố mua cho”. Điều này làm Đáp vô cùng xúc động. Đáp chia sẻ với gia đình về ước mơ, dự định mở lớp học của mình, tưởng bị ngăn cản, nào ngờ lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bố mẹ. Đáp tâm sự, cuộc đời con người chỉ có một, chứ không phải như trên những trò chơi điện tử, mất “mạng” này lại có “mạng” khác, thế nên mình phải làm sao sống có ích và chia sẻ những điều tốt đẹp đến cho mọi người. “Em không có tiền, chỉ có vốn tiếng Anh để chia sẻ cho các bạn mà thôi”.

Ước mơ mở một lớp học với một cơ sở khang trang, đáp ứng cho nhiều người hơn ấp ủ trong Đáp từ lâu, nhưng điều kiện kinh phí không cho phép, ở phòng trọ thì quá hẹp, chỉ một nhóm dăm ba người còn chật chội, nóng nực. Một lần, Đáp tìm được một căn hộ mà theo Đáp thấy thì khá phù hợp với việc mở một “trung tâm” dạy tiếng Anh, thế nhưng giá thuê mặt bằng thì Đáp không kham nổi. Chủ nhà dù rất ủng hộ ý tưởng của Đáp nhưng việc cho một cậu bé bán hàng rong nghèo rớt thuê cả một căn nhà hàng chục triệu đồng mỗi tháng cũng khiến họ không khỏi lo lắng. Nhưng cuối cùng, trước đam mê và sự thuyết phục của Đáp, chủ nhà cũng đồng ý cho cậu thuê, nhưng phải trả tiền 3 tháng một lần. Thế là Đáp về lôi hết số tiền tiết kiệm tích cóp được từ việc bán hàng rong, gia sư tiếng Anh ra vẫn chưa đủ, Đáp phải vay thêm một người bạn thân nữa. Đáp tự đi mua đồ về đóng bàn rồi nhờ bố, nhờ cậu, nhờ em gái lên mỗi người giúp một tay. Cũng may công việc của Đáp được gia đình ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều. Đầu năm 2014, lớp học tiếng Anh có tên “Stand by you” của Đáp ra đời. 

Lớp học của Đáp thu hút rất nhiều tình nguyện viên trong nước và nước ngoài tham gia, đó hầu hết là những người bạn Đáp từng gặp và trò truyện ở công viên, ở bảo tàng trong những lần bán bóng bay, hoặc là chính những bạn trước đây đã được  Đáp dạy tiếng Anh. Đến nay lớp học của Đáp đã thu hút hàng trăm người. Đáp cũng cho biết, mới đây Đáp quyết định thu mỗi học viên 300.000 đồng/ tháng. “Mới đầu thu tiền em cũng rất băn khoăn, nhưng em nghĩ số tiền này thực sự không nhiều so với việc đi học tại các Trung tâm tiếng Anh khác, ngoài chi trả cho việc thuê nhà, trả tiền điện nước, mua giáo cụ thì đó cũng là một khoản để các bạn có trách nhiệm hơn với việc học. Trước kia học miễn phí, nhiều bạn thích thì đi học, không thích lại nghỉ, thành ra các lớp không ổn định thỉnh thoảng lại phải điều chỉnh lại lớp học rất mệt, vì vậy em đã quyết định thu một khoản nhỏ và minh bạch mọi chi tiêu cho học viên biết”.

Lớp học tiếng Anh của Đáp cũng khá đặc biệt, không kê bàn, ghế theo kiểu truyền thống mà Đáp đóng những chiếc bàn thấp kê thành hình chữ U. Đáp bảo việc kê bàn ghế, ngồi nhìn bảng ghi ghi chép chép đôi khi tạo một áp lực vô hình lên người học, vì vậy Đáp muốn tạo một môi trường thân thiện, người học vừa học vừa giao lưu, thảo luận với nhau. 

Sẽ trở lại công việc… bán bóng bay

Đáp cho biết việc dạy và tìm các tình nguyện viên tham gia giảng dạy tại đây là không khó, vì hầu hết mọi người đều rất ủng hộ việc làm của cậu, nhưng cái khó nhất là chi phí thuê mặt bằng và các chi phí phát sinh. “Cái này em cũng rất lo, vì nguyên tiền thuê nhà cũng hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng em sẽ cố gắng bằng mọi cách duy trì lớp học. Em cũng mong có nhiều người ủng hộ việc làm này cùng với em để các bạn sinh viên khó khăn có được cơ hội học tiếng Anh tốt”.

Đáp cho biết, thật ra mọi người gọi là Trung tâm tiếng Anh chứ ý tưởng của Đáp là xây dựng một “Ngôi nhà tiếng Anh”, để tạo một môi trường cho các bạn đến giao lưu, học hỏi. Nhìn Đáp tất bật với những công việc của lớp học, tôi hỏi chắc từ nay cậu sẽ bỏ nghề bán hàng rong để tập trung vào công việc ở lớp học, câu trả lời thật bất ngờ: “Không, em muốn xây dựng Stand by you một thời gian nữa cho đi vào ổn định rồi sẽ chuyển giao cho các bạn tình nguyện viên, còn mình sẽ trở lại phòng trọ và tiếp tục đi bán bóng bay”. “Sao em lại thích đi bán bóng?” – tôi hỏi. “Thật ra nếu với vốn tiếng Anh của mình em có thể làm được nhiều việc cho thu nhập cao hơn rất nhiều, nhưng công việc bán bóng bay dạo cho em một thu nhập cũng rất khá, quan trọng là nó cho em một sự tự do mà hiếm nghề nào có được. Nhưng về lâu dài em cũng tính làm một cái gì đó về du lịch, ví dụ chung với các bạn mở một phòng vé chẳng hạn. Vì sau này mình cũng phải lấy vợ, sinh con và ổn định cuộc sống nữa” - Đáp hồn nhiên cho biết.