Tự giết mình

ANTĐ - Gà bị cho ăn chất nhuộm màu công nghiệp để thịt có màu vàng đẹp mắt, lươn bị cho ăn thuốc tránh thai để “vỗ béo” và câu chuyện hội nhập TPP là những vấn đề được nhắc nhiều trên các mặt báo trong tuần qua.
Tự giết mình ảnh 1

Ảnh: Internet

Một đằng là vấn đề dân sinh mà hậu quả của nó người ta nhìn thấy ngay trước mắt; một bên là vấn đề nghe thật vĩ mô đôi khi chính những người trong cuộc còn mơ hồ về cái được, cái mất. Liệu có liên quan gì đến nhau?

Để nói về cái sự liên quan ấy, phải nhắc lại một câu chuyện mà suốt hơn một năm qua đã khiến giới chăn nuôi gia cầm Việt Nam “ngồi trên đống lửa”, đó là câu chuyện về cuộc chiến xung quanh chiếc đùi gà Mỹ. Vâng, đùi gà nhập khẩu từ một quốc gia có tiêu chuẩn về VSATTP ở mức độ khắt khe nhất thế giới, được nhập vào Việt Nam và bán đến tay người dân với giá chỉ vài chục nghìn đồng.

Nó khiến các cơ sở chăn nuôi gà ở Việt Nam thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng vì không bán được gà. Các hội thảo liên tục diễn ra để bàn kế sách giúp người chăn nuôi ứng phó với thịt nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài. Hiệp hội đại diện cho người chăn nuôi đã phải chi cả nửa triệu USD và đang hoàn tất các thủ tục để khởi kiện chống bán phá giá với đùi gà nhập khẩu Mỹ. 

Cho dù kết quả như thế nào, nhưng qua sự việc này đã cho chúng ta một hồi chuông cảnh báo khi chuẩn bị gia nhập TPP. TTP, hiểu một cách nôm na nhất là các nước tham gia sẽ phải cắt giảm dần các dòng thuế quan cho hầu hết các mặt hàng. Lúc này, không chỉ đùi gà Mỹ, mà sữa bột New Zealand, bò Úc… sẽ tràn sang Việt Nam với mức thuế 0 đồng. Thế mà, chưa có TTP, ta đã thua ngay trên sân nhà thì thật nguy hiểm.

Người Việt Nam “sính ngoại” - đó là lý lẽ mà nhiều người đưa ra để giải thích cho trào lưu đổ xô đi mua sữa ngoại, hoa quả, thực phẩm và rất nhiều sản phẩm tiêu dùng nhập ngoại, cho dù giá đắt gấp nhiều lần sản phẩm sản xuất trong nước. Nhưng người tiêu dùng sính ngoại cũng có cái lý của họ. Làm sao bắt họ có thể “sống chết” với những sản phẩm mà nay có tin ngâm tẩm, mai có tin cho ăn chất độc hại được. Chính người sản xuất, người kinh doanh, thậm chí là các cơ quan chức năng đã quay lưng với người tiêu dùng trước, để niềm tin của họ bị đánh cắp.

Trở lại câu chuyện “cuộc chiến đùi gà”, bao nhiêu giả thuyết đặt ra cho những container đùi gà từ Mỹ nối đuôi nhau sang Việt Nam kia, nhưng cuối cùng, kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng thì chúng vẫn… an toàn. Người tiêu dùng thì chẳng cần biết họ có phá giá gì không, chỉ cần an toàn là đủ. Và, thế là thiệt hại nhất, đương nhiên thuộc về những người chăn nuôi làm ăn chân chính. Bởi vì giữa ma trận những lợn tiêm tạo nạc, tiêm thuốc an thần, gà ăn thuốc nhuộm, lươn ăn thuốc tránh thai kia… người tiêu dùng có biết đâu là thật, đâu là giả.

Thế nên, nếu vẫn còn những người làm ăn gian dối thì để bảo vệ những người chăn nuôi chân chính, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Hãy làm thật mạnh và phạt thật nặng, thậm chí xử tù. Chứ nếu cứ bắt được rồi phạt vài triệu đồng, thì phạt xong họ vẫn lại làm, mà có khi còn làm nhiều hơn để… bù vào khoản tiền bị phạt là đằng khác.