Taxi online: Chịu lỗ vì người tiêu dùng?

ANTĐ -Trong khi Grab Taxi đã “bắt tay” với các doanh nghiệp taxi truyền thống để hoạt động thì Uber dường như lại đi theo hướng “đối đầu”. Dù đi theo con đường nào thì cả 2 hình thức taxi này đều đang được nhiều người sử dụng vì giá rẻ. Đằng sau sự ưu đãi bất ngờ của taxi online là gì?
Taxi online: Chịu lỗ vì người tiêu dùng? ảnh 1

Taxi online đang mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng

Từ "đi đêm” đến bắt tay hợp tác

Một thời gian dài, khi mới xuất hiện trên thị trường, Grab Taxi đã chọn cách “đi đêm” với các lái xe taxi. Không muốn bị qua mặt, các doanh nghiệp taxi đã lên tiếng phản đối khi cho rằng, lái xe taxi và khách hàng kết nối với nhau qua phần mềm Grab mà không qua tổng đài, như vậy vừa không an toàn cho hành khách, doanh nghiệp cũng không quản lý được lái xe.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của loại hình taxi online, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của một số doanh nghiệp taxi với lái xe thì hai bên đã bắt tay hợp tác. Theo đó, hiện Grab Taxi đã hợp tác với các doanh nghiệp taxi tại nhiều thành phố lớn. Đáng nói, đến nay Grab Taxi vẫn chưa thu bất kỳ khoản phí nào đối với lái xe và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng thành viên taxi Thành Công cho hay, hãng taxi Thành Công đã hợp tác với Grab Taxi khoảng 2 tháng nay, nhờ vào phần mềm ứng dụng này mà lượng khách tăng 15-20%. “Đến thời điểm này, phía Grab Taxi chưa đưa ra bất kỳ đề nghị nào về chi phí”, ông Nguyễn Anh Quân thông tin.  Tuy nhiên, theo mô hình của Grab Taxi tại Singapore, công ty sẽ “ăn hoa hồng” trực tiếp từ các chuyến đi mà lái xe nhận được từ ứng dụng.

Tại Singapore, khoản phí này sẽ là 0,3 SGD/chuyến xe. Về việc này, ông Nguyễn Anh Quân cho rằng, nếu Grab Taxi tính tới chuyện thu phí trên mỗi chuyến đi sau khi đã mở rộng được thị trường tại Việt Nam thì chắc chắn, tất cả các hãng taxi đang hợp tác với Grab Taxi sẽ tính toán trước khi quyết định tiếp tục hợp tác hay dừng lại. 

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhận định: “Các nhà cung cấp ứng dụng di động như Easy Taxi và Grab Taxi sẽ không nhắm vào túi tiền của người đi taxi mà sẽ thu phí đối với lái xe. Thực tế cho thấy sau thời gian ngắn, đã có lái xe tăng tới 200 “cuốc”/tháng nhờ sử dụng các ứng dụng di động. Giả sử các ứng dụng taxi thu phí 200.000 đồng/tháng, tính ra lái xe taxi chỉ phải trả 1.000 đồng/“cuốc” cho phí sử dụng ứng dụng di động và họ sẽ sẵn sàng đóng phí vì việc này mang lại nhiều lợi ích cho họ”. 

Taxi online được gì khi chịu lỗ?

Trong chiến lược phát triển, dường như Grab Taxi khôn ngoan hơn, bởi lựa chọn những đối tác vận tải đã có đầy đủ cơ sở pháp lý, đó là các doanh nghiệp taxi. Trong khi đó, Uber phát triển muộn hơn ở thị trường Việt Nam nhưng lại lựa chọn đối tác là xe cá nhân hoặc các doanh nghiệp vận tải.

Đặc biệt, với cách hoạt động vận tải dựa trên lượng xe nhàn rỗi trong cộng đồng, Uber đã “đối đầu” trực tiếp với taxi truyền thống, gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều hiệp hội vận tải. Xuất hiện muộn, nhưng tốc độ phát triển của Uber tại thị trường Việt Nam được đánh giá là nhanh “top” đầu thế giới. Lượng lái xe tham gia vào mạng lưới Uber đã lên tới hàng nghìn người. Tuy nhiên, do việc hợp tác với những đối tác không đủ điều kiện kinh doanh vận tải khách, Uber taxi đã bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt.

Trước sức ép của dư luận, đặc biệt là sự lên tiếng mạnh mẽ của các  hiệp hội taxi truyền thống, Bộ GTVT đã giao các cục, vụ liên quan xem xét, yêu cầu Uber tuân thủ đầy đủ các yêu cầu luật pháp của Việt Nam trong hoạt động. “Bộ GTVT không cấm Uber hoạt động. Tuy nhiên, Uber và các đối tác tại Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về kinh doanh vận tải ở Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng  Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Bộ sẽ chỉ đạo thanh tra bộ thực hiện thanh tra định kỳ và đột xuất về hoạt động của Uber, trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với phương án của Bộ GTVT, đồng thời yêu các bộ, ngành, gồm: Tài chính - quản lý về nghĩa vụ thuế, tài chính; Công Thương - quản lý về thương mại điện tử; Ngân hàng Nhà nước - quản lý về thanh toán quốc tế và UBND TP.HCM - quản lý về cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm tạo điều kiện cho Uber hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh.

Bỏ tiền ra để tạo thói quen cho cả khách hàng và lái xe, các nhà cung cấp ứng dụng này sẽ thu được gì từ thị trường Việt Nam? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải từ các doanh nghiệp kinh doanh phần mềm công nghệ. Ngay cả với các doanh nghiệp taxi truyền thống, dù đã bắt tay hợp tác với Grab Taxi nhưng cũng không thể lý giải. Trong khi đó theo tính toán, hiện cả Grab Taxi và Uber đều đang phải bù lỗ ở thị trường Việt Nam.