Phát hiện nhiều nam giới bị lừa bán, cưỡng bức lao động

ANTĐ -Tội phạm mua bán người xảy ra trên cả nước, không chỉ nhằm vào phụ nữ, trẻ em mà nhiều nam giới cũng bị lừa bán.

Sáng 14-7, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hoà (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết, trong 5 năm gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, xu hướng tăng. Cả nước đã phát hiện hơn 2.200 vụ (tăng 11,6% so với cùng kỳ) với gần 4.500 nạn nhân, bắt hơn 3.300 nghi can.

Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà đã phát hiện cả mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê hoặc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. “Ở Cần Thơ có vụ tới 75 công nhân nam bị lừa bán cho các chủ lò gạch, chủ khai thác mỏ ở Trung Quốc", Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa nói.

 Tội phạm mua bán người không chỉ nhắm vào phụ nữ, trẻ em mà đã mua bán cả nam giới.

Thủ đoạn phổ biến của đối tượng phạm tội là lợi dụng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo.

Những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức, cưỡng ép mại dâm, cưỡng ép kết hôn....

Ngoài lý do siêu lợi nhuận từ mua bán người, cơ quan chức năng còn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này còn bởi mất cân bằng về giới; sự phát triển của công nghệ thông tin; tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; sự phân hóa giàu nghèo; việc thực hiện một số chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực.

Theo Đại tá Lê Văn Chương (Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát), nạn nhân của những vụ buôn bán người chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng núi. Đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gặp éo le về tình cảm. Hoặc một số cô gái thích hưởng thụ, ăn chơi đua đòi, muốn lấy chồng nước ngoài nên bị lừa.

Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho hay, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hàng năm có tới gần 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên toàn thế giới. Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu trẻ em bị buôn bán. Một phần ba số phụ nữ và trẻ em xảy ra ở Đông Nam Á hoặc xuất phát từ khu vực này.

Theo Bộ Công an, từ năm 2011-2015, cả nước khám phá 1.950 vụ, bắt 3.055 trường hợp liên quan mua bán người. Toà án các cấp đã xét xử 1.032 vụ với 2.084 bị cáo. Trong số này có 3 người bị tù chung thân; 152 phạm nhân lĩnh án từ 15 đến 20 năm; 667 người bị phạt tù 7-15 năm, 1.050 trường hợp nhận án phạt từ 7 năm trở xuống.

Hôm nay, Bộ Công an công bố ngày 30-7 là “ngày toàn dân phòng chống mua bán người", theo Quyết định số 793 của Thủ tướng Chính phủ.