Những "nghịch lý" chỉ có trong ngày Tết

ANTĐ - Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian đặc biệt đối với mỗi người Việt, vì đây là dịp nghỉ dài ngày nhất trong năm, tạo điều kiện sum họp, ăn uống quây quần bên nhau sau cả năm lao động miệt mài. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, phấn khởi thì dịp nghỉ lễ đặc biệt này cũng tồn tại những “nghịch lý” rất riêng.

Đó là “nghịch lý” gì? Xin mời độc giả cùng điểm qua với Báo ANTĐ:

* Nhiều đồ ăn mà vẫn… đói ngấu

Nhắc đến Tết là hầu như người Việt nào cũng nghĩ ngay tới những mâm cỗ đầy ắp, thường ăn đến 1-2 bữa sau mới hết “đồ thừa”. Vậy nhưng ở trong hoàn cảnh dư dả đồ ăn thức uống như vậy, không ít người vẫn bị “bỏ đói” gần hết ngày.

“Nhà mình tập trung toàn lực vào bữa trọng tâm, là bữa quây quần anh chị em họ hàng trong mỗi ngày Tết, và thường là bữa tối. Vô số món nên việc chuẩn bị rất vất vả. Cũng vì thế nên các bữa khác trở nên tạm bợ, ăn qua loa cho xong việc vì mệt và chẳng ai nghĩ tới chuyện nấu thêm món khác ngoài những món cho bữa tập trung. Sau vài ngày ‘đại tiệc’, mình nhận ra chỉ vào bữa đó mới được ăn uống gọi là tử tế, còn thì bữa sáng, bữa trưa rất đạm bạc”, anh Bùi Trung Dân (Khương Thượng, Đống Đa) chia sẻ về “nỗi khổ” bị đói của mình.

Mâm cỗ đặc trưng lặp đi lặp lại trở thành "nỗi sợ" của những người khó ăn

Trong khi đó, “sự cố” đói của chị Nguyễn Thị Linh (Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ) lại bắt nguồn từ yếu tố khác.

Chị Linh cho hay: “Ngày Tết, mình ăn một bữa chính ở nhà mình, còn những bữa khác của các ngày sau là ăn ở các nhà họ hàng. Nhưng đụng vào mâm cỗ Tết nào cũng gần như y nguyên một thực đơn, như nem, bánh chưng, thịt gà, canh măng, bóng bì... nên mình ngán tận cổ. Không thể ăn nổi, dù đói rã ruột rồi. Thành ra có khi về phải ăn thêm mỳ tôm. Được hôm nào có bữa canh cá chua, hoặc thịt nấu cà chua ăn với rau sống thì đúng là ăn cơm như ‘chết đói’ được mùa”.

* Quan tâm nhiều nhưng… khó chịu

Hiếm có dịp nào đoàn viên được đông đủ như Tết Nguyên đán, nên trong thời gian nghỉ Tết, mọi người được gặp gỡ rất nhiều người họ hàng thân thích. Vậy nhưng cũng trong dịp này, nhiều người phải nhận sự quan tâm thái quá khiến họ… phát cáu, hoặc e ngại, né tránh.

Được quan tâm thái quá với nhiều câu hỏi khó trả lời khiến không ít người sợ... Tết

“Khi thấy mình 25, 26 tuổi mà vẫn chưa ra mắt người yêu, từ ông bà nội ngoại cho tới các cô dì chú bác, rồi anh em họ liên tục hỏi han, xem tại sao chưa yêu ai, hay yêu rồi mà giấu, thế bao giờ định cưới… Biết là mọi người quan tâm, nhưng mà liên tục ‘được’ quan tâm với tần suất dày đặc như thế thì cũng phát ngại. Cứ gặp ai, dù đi từ xa, là biết ngay câu đầu tiên họ hỏi sẽ chỉ xoay quanh chuyện tình cảm mà thôi. Có năm stress quá, mình phải đặt điều kiện với bố mẹ và ông bà trong nhà là nếu năm nay còn hỏi chuyện tình cảm, con sẽ không về ăn Tết nữa đâu”, chị Bích Thủy (Vĩnh Phúc) chia sẻ về nỗi khổ được quan tâm thái quá trong dịp Tết.

Ngoài những câu hỏi về chuyện tình cảm, không ít người cũng rất vô tư “truy tới cùng” xem mức lương, thưởng Tết được cụ thể bao nhiêu.

“Ở quê mình, mọi người coi đó là chuyện bình thường, trong khi mình thấy rất khó xử. Bảo ‘đủ tiêu’ thì thể nào cũng bị truy tiếp xem ‘đủ tiêu là bao nhiêu? Phải có số tiền cụ thể chứ?’ Nói thật ra thì ngại, vì hoặc là bị chê ít, hoặc lại được coi là quá nhiều, nhưng có là gì nếu sống ở Hà Nội đắt đỏ”, anh Hoàng Tuấn Anh (Thái Nguyên) nói về nỗi khó xử khi được mọi người quan tâm.

* Nhiều tiền mà không biết tiêu gì

Cuộc sống càng phát triển, càng nhiều người “mạnh tay” trong việc lì xì nhau. Cũng vì thế mà không ít bạn trẻ bội thu đáng kể trong dịp đầu Xuân. Thế nhưng, số tiền này có lẽ chỉ dùng để tiết kiệm và tiêu… sau Tết, còn trong dịp nghỉ lễ dài ngày, không dễ để tìm được địa chỉ tiêu tiền như ý muốn.

Dù được lì xì nhiều song không dễ để tiêu tiền trong những ngày Tết

“Năm nay được mừng tuổi nhiều, mình muốn mua ngay một chiếc máy tính bảng ra trò để trong Tết còn kết nối với anh em gần xa. Nhưng mà chẳng siêu thị điện máy hay cửa hàng điện tử nào mở cửa cả. Đành ôm cái điện thoại cùi bắp nhắn tin”, bạn Trần Tuấn (Trương Định) nói.

Truyền thống đóng cửa để quây quần, sum họp cùng gia đình của nhiều chủ cửa hàng và dịch vụ chính là nguyên nhân khiến không ít người dù rủng rỉnh lì xì song không dễ tiêu thỏa chí trong dịp này.

* Nhiều thời gian nhưng chẳng được nghỉ ngơi

“Nghịch lý” này có lẽ đúng nhất với các chị em phụ nữ, bởi dù được nghỉ dài ngày song nhiều “bóng hồng” lại phải lao động quần quật trong gian bếp gia đình.

“Tết ở quê mình giống hầu hết nơi khác, đó là bữa nào cũng thành cỗ. Bữa cỗ sáng chưa xong thì đã lo nấu bữa cỗ trưa, tới trưa còn chưa kịp rảnh rang thì lại bắt tay vào chuẩn bị cỗ chiều. Cứ nấu nướng, dọn dẹp, rửa bát đũa liên miên. Thành ra thấy chính ngày thường đi làm lại còn nhàn hơn nhiều lúc nghỉ Tết nhiều thời gian thế này”, chị Trần Hiền (Cầu Giấy) chia sẻ về “nghịch lý” vất vả dịp Tết.

Nấu nướng, dọn dẹp, rửa bát đũa... là cơn "ác mộng" đối với không ít chị em

Ngay tại Hà Nội, không ít gia đình cũng tất bất với việc nấu cỗ, sau đó là dọn dẹp, đi chúc Tết…

“Trước Tết, mình đã tự hứa với lòng là sẽ dành nhiều thời gian để ngủ nghỉ, bù đắp cho những vất vả lúc trước trong công việc. Nhưng ai ngờ, năm nay nhà mình đứng ra tổ chức cỗ tập trung anh em. Sau đó lại kéo tất cả sang từng nhà chúc Tết, mình không thể né tránh được. Thành ra ngủ có khi còn ít hơn ngày thường. Chẳng biết mình sẽ trả lời hứa với bản thân vào lúc nào nữa”, bạn Hồng Trang (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ.

Mặc dù luôn tồn tại những “nghịch lý” nho nhỏ như trên trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, song không phải vì thế mà Tết Nguyên đán mất đi sức hấp dẫn vốn có. Bởi trên tất cả, việc được quây quần, sum họp cùng gia đình, người thân mới là điều đáng giá nhất trong dịp Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc.