Người tạm trú bị phân biệt khi xin việc ở cơ quan Nhà nước

ANTĐ - Báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được công bố sáng nay (16-6) cho biết, những người không có hộ khẩu thường trú thường bị phân biệt khi xin việc trong cơ quan Nhà nước.

Người tạm trú bị phân biệt khi xin việc ở cơ quan Nhà nước ảnh 1

Hầu hết các giao dịch dân sự đều yêu cầu có bản sao hoặc sổ hộ khẩu trong hồ sơ

Hầu hết giao dịch dân sự “đòi” hộ khẩu

PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước, cuốn sổ hộ khẩu tại Việt Nam được sử dụng như một công cụ nhằm hạn chế gia tăng dân số đô thị, kế hoạch hóa kinh tế, quản lý dân cư và xã hội.

Chính quyền địa phương có thể kiểm soát xã hội thông qua những ràng buộc thủ tục quy định về cư trú, cuốn sổ hộ khẩu có thể giúp ngành công an xác minh lại lịch sử cư trú của một cá nhân, ngành giáo dục có thể sử dụng hộ khẩu như một công cụ để xác định học sinh học đúng tuyến hay trái tuyến. Trong vấn để bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh hàng ngày, cuốn sổ hộ khẩu cũng được sử dụng tạo cơ sở mua bảo hiểm y tế cho hộ gia đình, từ đó xác minh được việc khám chữa bệnh có vượt tuyến hay không.

Hầu hết các giao dịch dân sự đều yêu cầu có bản sao hoặc sổ hộ khẩu trong hồ sơ là điều cần thiết bắt buộc như công chứng, xin cấp giấy phép kinh doanh, vay vốn, đăng ký xe, mua điện, cấp nước...

“Đa số người dân tham gia cuộc khảo sát đều cho rằng, hệ thống hộ khẩu cần được nới lỏng hơn và cần được cải cách để tránh hạn chế quyền tự do cư trú của công dân và tình trạng tiêu cực, tham nhũng”, ông Đặng Nguyên Anh thông tin.

Người tạm trú bị phân biệt khi xin việc trong cơ quan Nhà nước

Số liệu khảo sát mới đây chỉ ra rằng, có hơn 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú tại nơi họ đang cư trú, con số này nhiều hơn rất nhiều so với các điều tra trước đây. 40% số người không có hộ khẩu thường trú đã chuyển đến các tỉnh, thành phố nơi họ đang cư trú trước năm 2010.

Theo các chuyên gia, những nghiên cứu trước đây cho thấy, những người không có hộ khẩu thường trú phải đối mặt với nhiều bất lợi trong thị trường lao động. Cụ thể, nghiên cứu về người di cư tạm thời tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2008 chỉ ra rằng, người không có hộ khẩu thường trú thường có xu hướng phải làm công việc chất lượng thấp, bị trả lương thấp trong điều kiện làm việc không ổn định.

Tuy nhiên, điều tra năm 2015 cho thấy, những khác biệt lớn về công việc theo tình trạng cư trú, đó là đối tượng tạm trú có nhiều khả năng được tuyển dụng hơn so với người có hộ khẩu thường trú. Điều này được giải thích bởi đối tượng đăng ký tạm trú là người nhập cư chuyển tới sống tại địa bàn hiện tại chỉ với mục đích làm việc và những người này thường ở trong độ tuổi lao động vàng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người không có hộ khẩu thường trú thường bị phân biệt khi xin việc trong cơ quan Nhà nước. Những người được phỏng vấn cho biết, các cơ quan Nhà nước ưu tiên những người có hộ khẩu thường trú khi tuyển dụng nhân sự.

Ít nước trên thế giới áp dụng

Ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế của WB cho biết thêm, trên thế giới, có nhiều nước áp dụng hệ thống đăng ký hộ khẩu như tại Pháp, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc (trước năm 2008). Các hệ thống này được sử dụng chủ yếu để đăng ký các sự kiện hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn... nhưng không gắn kèm với việc cung cấp các dịch vụ xã hội.

Trong khi đó, ở Mỹ, không có hệ thống đăng ký hộ khẩu gia đình hay đăng ký cư trú nhưng vẫn cần có bằng chứng nơi cư trú để có thể tiếp cận một số dịch vụ có tính địa phương như trường học công. Hầu hết các hệ thống đăng ký hộ khẩu nêu trên không quy định hạn chế trong việc thay đổi cư trú.

Ông Linh cho hay: “Chỉ còn rất ít nước duy trì hệ thống đăng ký hộ khẩu gia đình trong đó cơ gắn với việc cung cấp các dịch vụ xã hội và hạn chế thay đổi nơi cư trú đó là Việt Nam, Trung Quốc và các nước Liên Xô cũ”

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù hệ thống này đã bớt cứng nhắc theo thời gian, tuy nhiên vẫn có những lo ngại về việc hệ thống hộ khẩu đã hạn chế các quyền và tiếp cận các dịch vụ công đối với những người không đăng ký thường trú nơi họ sinh sống.

Ông Gabriel Demombynes, chuyên gia của WB nhấn mạnh: “Vai trò của hệ thống hộ khẩu đã giảm dần trong các năm gần đây, việc có hộ khẩu tạm trú dễ hơn trước rất nhiều, các rào cản tới việc tiếp cận dịch vụ cũng giảm đi. Thế nhưng đây vẫn là những rào cản, ví dụ như vấn đề việc làm khu vực công, tiếp cận các dịch vụ... Vì vậy, cần giảm các rào cản để có hộ khẩu thường trú và loại bỏ các khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa người thường trú và tạm trú”.