Muốn thay đổi du lịch, phải thay đổi tư duy chiến lược

ANTĐ - Ngành du lịch đã thực sự là “mũi nhọn” của ngành kinh tế hay chưa, làm thế nào để phát triển du lịch, đó là những vấn đề nóng tại Hội thảo“Phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức vào ngày 7-7 tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều chuyên gia du lịch, kinh tế…  

“Quên” giới thiệu ẩm thực 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam khi tham gia chương trình “Chiếc thìa vàng” đã từng bức xúc chất vấn đại diện các khách sạn 5 sao tại TP.HCM: “Tại sao hầu như không có các nhà hàng cao cấp Việt Nam ở các khách sạn 5 sao?”. Bà chia sẻ: “Trong khi các món ăn Việt  lép vế thì đến nhà hàng, khách sạn chỉ toàn thấy chúng ta quảng cáo cho cơm Tây, cơm Tàu, cơm Nhật… Ở Việt Nam mà không giới thiệu ẩm thực Việt Nam là rất dở”. Hẳn chúng ta còn nhớ khi ông Philip Kotler – chuyên gia marketing hàng đầu thế giới đến Việt Nam đã đưa ra lời gợi ý: “Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới?”. Câu hỏi này đã gợi mở nhiều suy nghĩ trong việc đi tìm một thương hiệu quốc gia để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam với thế giới. 

Muốn thay đổi du lịch, phải thay đổi tư duy chiến lược ảnh 1

Du lịch bấy lâu chỉ quan tâm đến “sản lượng” mà bỏ qua chất lượng khách

Liên quan đến vấn đề thương hiệu, sản phẩm quảng bá du lịch, ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương viện dẫn: “Tôi đã từng đến Hawaii và biết được rằng những du khách đến đây đều sẵn sàng bỏ tiền để mua một chiếc áo “Aloha” về làm quà. Họ cho rằng, đến Hawaii mà chưa mua được một chiếc áo “Aloha” thì coi như chưa đến”. Trong khi đó, sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn còn thiếu tính khác biệt và tính đẳng cấp. Đối với những sản phẩm chủ lực, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh còn kém. 

Cùng với đó, việc đưa ra khẩu hiệu, slogan xứng tầm để quảng bá cho ngành du lịch lâu nay vẫn được đưa ra bàn thảo, tranh luận khá nhiều. Bà Tôn Nữ Thị Ninh thẳng thắn: “Khi xem các chương trình BCC, CNN… tôi thấy các khẩu hiệu, slogan của các quốc gia khác như “Malaysia - Truly Asia (Châu Á đích thực) hay  “Amazing Thailand” (Sửng sốt Thái Lan)… rất hay. Nó truyền tải được sức sống của một nền du lịch luôn vận động. Trong khi slogan của du lịch Việt: “Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn” hay “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” dường như tĩnh quá, khép nép, khiêm nhường quá”.  Thực tế đã cho thấy, năm 2012, Thái Lan đã đón 22 triệu khách nước ngoài, bằng 1/3 dân số, Malaysia đón 25 triệu lượt khách, bằng 80% tổng dân số, thì Việt Nam mới đón 6,8 triệu lượt khách – có thể nói là ta không thể chạy đua cùng các nước bạn.    

Cần thay đổi tư duy 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy chiến lược phát triển du lịch với định hướng ngay từ đầu là “xây dựng một ngành du lịch đẳng cấp,  vượt trội”. Ông cho rằng, tư duy phát triển du lịch vẫn lấy “sản lượng” làm thước đo thành công chủ yếu, trong khi không hướng đến “chất lượng”. Cách làm du lịch manh mún, chia cắt, thiếu tính liên kết như hiện nay đi ngược lại với logic tồn tại của ngành du lịch…

Ông viện dẫn, một vị khách Nhật Bản đã từng phát biểu tại một hội nghị ở Đà Nẵng: “Đà Nẵng muốn phát triển được, muốn trở thành một thành phố thực sự đáng sống, thì đừng để bất cứ một lái xe taxi nào có hành vi không trả tiền thừa cho khách”. Chỉ một hành động nhỏ mà để lại sự thiếu thiện cảm và cho thấy cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, trong khi đó, đáng buồn, ở nhiều nơi, người Việt Nam vẫn có thói quen tìm mọi cách để “chặt chém” du khách. 

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Việt Nam Hoàng Tuấn Anh nhận định: “Du lịch phát triển sẽ kích thích nhu cầu và là đòn bẩy thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển. Chỉ khi nhận thức đúng và đầy đủ về du lịch thì mới phát huy được sức mạnh tổng hợp để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.