Lợi dụng quy định mới, trục lợi quỹ bảo hiểm

ANTĐ - 4 tháng đầu năm nay, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên cả nước tăng 1,2% so với 2015. Cùng với đó, quyền lợi của người bệnh BHYT cũng được tăng lên khi quy định thông tuyến BHYT được áp dụng. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT có xu hướng gia tăng, kể cả ở những phòng khám tư nhân.

Lượng bệnh nhân đến khám BHYT tại tuyến huyện đang tăng vọt.  Ảnh minh họa

Đủ hình thức trục lợi 

Chiều 26-5, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 70 triệu người tham gia BHYT, tăng 1,2% so với 2015, đạt 75,6% dân số. Điều này đã tạo đà để hướng tới mục tiêu nâng mức bao phủ BHYT toàn dân lên hơn 78% đến cuối năm 2016. Cũng trong 4 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ, thanh toán chi phí BHYT cho khoảng 44 triệu lượt khám chữa bệnh, tăng 2,8 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2015 với tổng chi phí từ quỹ BHYT là gần 20.000 tỷ đồng. 

Song bên cạnh đó, nhiều tồn tại cố hữu trong triển khai công tác BHYT vẫn diễn ra như trốn đóng, nợ đọng quỹ BHYT ở nhiều địa phương, doanh nghiệp… Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay, cùng với việc triển khai chính sách mới của Bộ Y tế về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc (người bệnh có thẻ BHYT đăng ký ở xã này có thể sang khám chữa bệnh tại xã khác hoặc lên thẳng tuyến huyện, đăng ký ở bệnh viện này có thể sang khám ở bệnh viện khác cùng cấp), hay việc áp dụng chính sách viện phí mới, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT ở nhiều địa phương có xu hướng gia tăng. 

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, việc lợi dụng quy định về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT để lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT được thể hiện qua các hình thức chủ yếu như: cơ sở khám chữa bệnh khuyến khích người bệnh BHYT thông tuyến từ nơi khác đến; nhiều người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh ở nhiều nơi trong cùng một ngày; việc chi trả chi phí BHYT được thanh toán rộng rãi trong khi kiểm soát chủ yếu là hậu kiểm nên khó phát hiện…

Cụ thể, từ khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT từ đầu năm nay, tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, có nơi bệnh nhân BHYT đến điều trị tăng vọt tới 44%, ngược lại số khám chữa bệnh ở trạm y tế xã giảm hẳn. Do thông tuyến, chuyển viện rất dễ nên hiện tượng người dân đi khám ở nhiều nơi trong cùng một thời điểm, cùng một ngày cũng khá phổ biến, không loại trừ khả năng người bệnh đi khám chỉ để được cấp phát thuốc rồi đem bán. “Qua 4 tháng theo dõi, việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đã là sự thật” - ông Phạm Lương Sơn nói. 

Phòng khám tư cũng “lách” 

Do điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới tính đúng, tính đủ, mức đóng viện phí giữa bệnh viện công với các cơ sở y tế tư nhân không còn chênh lệch nhiều nên một số cơ sở y tế tư nhân đã tìm cách “lách” để thụ hưởng BHYT. Mấy ngày qua, vụ việc Phòng khám Phương Nam (tỉnh Cà Mau)  tung hàng loạt hoạt động khuyến mãi, tặng quà để thu hút một lượng lớn người bệnh - chủ yếu khám bằng BHYT tới khám đang gây  xôn xao dư luận. 

Theo BHXH tỉnh Cà Mau, năm 2015, tổng số tiền chi cho khám chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh Cà Mau là 519 tỷ đồng thì riêng số chi cho Phòng khám Phương Nam là 141 tỷ đồng. Đặc biệt, quý I-2016, tổng chi và dự kiến chi BHYT của cả tỉnh Cà Mau là 194 tỷ đồng thì riêng chi cho Phòng khám Phương Nam chiếm 143 tỷ đồng. Được biết, việc doanh thu BHYT tăng  chóng mặt như trường hợp của Phòng khám Phương Nam không phải  cá biệt. Theo BHXH Việt Nam, số lượt khám chữa bệnh BHYT 2 tháng đầu năm 2016 ở các bệnh viện, phòng khám tư đã tăng từ 30% đến hơn 200% so với cùng kỳ năm 2015.

Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cho biết, quan điểm của BHXH Việt Nam là tạo ra cơ chế bình đẳng, công bằng giữa y tế công và tư trong thực hiện chính sách BHYT, từ đó tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người bệnh. Tuy nhiên, với trường hợp của Phòng khám Phương Nam có một số biểu hiện cho thấy có sự lạm dụng, trục lợi từ quỹ BHYT như: lưu lượng khám bệnh tăng bất thường, 1 ngày khám trên 2.000 người; tỷ lệ sử dụng dịch vụ chi trả BHYT như nội soi tai mũi họng, siêu âm tổng quát, siêu âm tim, răng hàm mặt… khá cao. Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, có sự thông đồng giữa người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh được khám nhiều lần trong 1 ngày… 

Nhằm khắc phục tình trạng trên, BHXH Việt Nam đang xây dựng hệ thống thông tin giám định BHYT, dự kiến có thể vận hành trước ngày 30-6 tới. Hệ thống này sẽ giúp kiểm soát số lần khám chữa bệnh BHYT của người bệnh, giúp phát hiện những trường hợp khám nhiều lần trong thời gian không hợp lý hay các bệnh viện kê kỹ thuật, dịch vụ, chỉ định thuốc cho người bệnh trùng lặp… Đại diện BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh, các hành vi lạm dụng khám chữa bệnh để trục lợi quỹ BHYT không mới nhưng ngày càng tinh vi.  Do đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn thì mới có thể giải quyết được.