Loay hoay quản lý rượu "thủ công"

ANTĐ - Mỗi năm, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu. Trong khi đó, Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1-1-2013 nhưng tình trạng rượu kém chất lượng, rượu thủ công không qua kiểm định vẫn tràn lan. 

Bắt giữ lô rượu chưa kiểm định chất lượng 

Mới đây nhất, ngày 16-6-2015, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 – Chi cục QLTT Hà Nội đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Mơ, tại số 70 Nguyễn Tuân – Thanh Xuân – Hà Nội, về hành vi kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, tại Quyết định này, Đội QLTT số 14 đã xử phạt hành chính hộ kinh doanh Hoàng Thị Mơ tổng cộng 22 triệu đồng. Đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 23 can rượu đóng can loại 20 lít gồm: 11 can rượu nhãn hiệu Rucota Táo mèo, 2 can rượu Ba kích; 7 can rượu Rucota Chuối hột; 3 can Rượu nếp cái hoa vàng. 

Loay hoay quản lý rượu "thủ công" ảnh 1
Hàng chục thùng rượu màu xanh loại 20 lít không nhãn mác đang được chiết ra các chai nhỏ để tiêu thụ.

Trước đó, vào 9-6-2015, Đội QLTT số 14 đã kiểm tra và lập biên bản tạm giữ tang vật tại số 24, ngõ 56 phố Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, Đội đã tạm giữ một số thùng rượu dân tộc đóng can chưa rõ chất lượng thực tế. Tại hiện trường, có hàng chục thùng rượu màu xanh loại 20 lít không nhãn mác đang được chiết ra các chai nhỏ để tiêu thụ. Bên cạnh đó là những bình rượu Rucota Táo mèo được ngâm trong những bình thủy tinh. Tất cả các loại rượu này đều không ghi ngày tháng sản xuất và không có giấy kiểm định chất lượng.

Theo tìm hiểu, các loại rượu bị thu giữ trên đây là sản phẩm của cơ sở sản xuất rượu tư nhân Đào Công Thành, trụ sở tại HTX rượu Thành Nhàn, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, Hưng Yên. Theo quảng cáo trên mạng, cơ sở này sản xuất đủ các loại rượu từ rượu táo mèo, rượu dừa, rượu ba kích, rượu chuối hột… bằng phương pháp ngâm truyền thống.

Khó quản lý rượu sản xuất thủ công?

Còn nhớ, năm 2013, vụ việc 6 người chết tại Quảng Ninh do uống rượu “29 Hà Nội” đã dóng lên hồi chuông báo động về chất lượng rượu của những cơ sở sản xuất thủ công. Những loại rượu này hầu hết được chưng cất thủ công với hàm lượng methanol vượt quá giới hạn từ hàng chục, thậm chí hàng nghìn lần cho phép. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bình quân mỗi năm cũng có tới hàng trăm ca ngộ độc  rượu nhập viện. Trong số những ca ngộ độc này, có nhiều ca ngộ độc do lạm dụng rượu 

Con số của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 40-50 làng nghề nấu rượu truyền thống, phân bố khắp Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên, phần lớn những người dân nấu rượu tại các làng nghề này đều chưa làm thủ tục đăng ký sản xuất, kinh doanh hay đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Còn theo thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 800 triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó rượu công nghiệp chỉ chiếm 20%, còn lại là rượu nấu thủ công rất khó kiểm tra, kiểm soát quy trình, chất lượng. 

Loay hoay quản lý rượu "thủ công" ảnh 2Rượu táo mèo


Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, ngày 12-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013). Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng kí kinh doanh với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, sau hơn 2 năm Nghị định có hiệu lực thi hành, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

Lấy ví dụ tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số hộ sản xuất và kinh doanh rượu thủ công truyền thống. Hiện Vĩnh Tường có trên 1.000 hộ kinh doanh và nấu rượu, trong đó, có 250 hộ trực tiếp sản xuất rượu thủ công. Trung bình mỗi ngày ở đây cung cấp ra thị trường trên 500 lít rượu. Việc nấu rượu của các hộ dân hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Khi được hỏi về giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định của Nghị định 94 thì các hộ sản xuất ở đây thậm chí còn không biết đến.

Theo những hộ sản xuất rượu thủ công, muốn bảo đảm các thông số như etanol, methanol... về an toàn vệ sinh thực phẩm thì rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử, trong khi để đầu tư được hệ thống này phải mất ít nhất vài chục triệu đồng/bộ. Với quy mô nhỏ, lại sản xuất không thường xuyên nên không hộ dân nào đầu tư được hệ thống này.

Hệ quả của vấn đề này đã được PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) làm rõ: trong quy trình nấu rượu, nếu người nấu khống chế được nhiệt độ, áp suất sẽ tách được một số độc tố như methanol, acid, furfurol, aldehyt, acétaldehyt... Nhưng đa phần các lò nấu rượu thủ công, những chất này không được tách ra. Nói về một số nhà hàng “đặc sản rượu dân tộc” đua nhau quảng cáo với khách về hàng chục loại rượu thuốc, rượu ngâm thảo dược, ngâm động vật... có khả năng chữa bệnh, PGS.TS Thịnh cho rằng những loại này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc. Vì hiện nay dược liệu giả dùng ngâm rượu bán tràn lan, ngay cả dùng dược liệu thật cũng không đảm bảo vì cây cỏ hiện nay cũng nhiễm độc nhiều. 

Việc quản lý rượu thủ công vẫn còn là một bài toán bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, thừa nhận: Quản lý rượu truyền thống là một việc không dễ. Nghị định 94 được ban hành lâu nay nhưng khi đi vào cuộc sống, gần như không có hiệu quả. Đa phần hộ nấu rượu không hề biết về quy định này, các cơ quan chức năng cũng không đủ sức để quản hết. Theo quy định, các nhà sản xuất phải tự chịu và tự kiểm định chất lượng sản phẩm rượu theo từng lô khi đưa ra thị trường nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng chấp hành hoặc có làm cũng không phải với 100% sản phẩm.