Leo núi Phượng Hoàng - Chiêm bái thầy giáo Chu Văn An

ANTĐ - Có một người thầy dạy học hàng trăm năm trước rồi trở thành bất tử hàng nghìn đời sau - thầy giáo Chu Văn An. Mỗi năm đến dịp 20-11, nhiều người tìm đến núi Phượng hoàng quỳ lạy trước đền thờ thầy giáo Chu Văn An đặng mong một chữ “Học” về cho con cái.

Leo núi Phượng Hoàng - Chiêm bái thầy giáo Chu Văn An ảnh 1Chữ “Học” ở đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Núi Phượng hoàng tại đất Chí Linh, tỉnh Hải Dương được coi là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Nơi này có 4 ngọn núi lớn và có hình thù đúng theo tứ linh “Long-Lân-Quy-Phượng”. Riêng núi Phượng hoàng, từ thuở hồng hoang tương truyền đã có sừng sững 72 ngọn núi sắp xếp như một con chim Phượng hoàng cất cánh tung thiên. Ngọn núi này có vị trí và cảnh đẹp vô cùng tuyệt mỹ. Thầy giáo Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ” đã chọn nơi này an cư những năm cuối cùng của cuộc đời mình. Quần thể núi non này cũng có một loại đá đặc biệt - đá son mà hiện nay dân leo núi thi thoảng vẫn nhặt được. Tương truyền xưa kia, có giếng son bên cạnh, đáy giếng có son nhuyễn và thầy Chu Văn An vẫn lấy mực từ giếng son để viết chữ tặng người đời.

Sau khi “trở về với tiên tổ”, thầy giáo Chu Văn An được chôn cất tại đây và đền thờ thầy được xây dựng chính trên nền đất căn lều nơi thầy an cư những năm cuối đời. Tại chính căn nhà đơn sơ này, thầy giáo Chu Văn An vẫn dạy học, viết sách, làm thơ và cho chữ. Sau khi thầy Chu Văn An qua đời, ngôi nhà được lập thành đền thờ có tên “Phượng Sơn Linh từ” (đền Phượng hoàng). Nhiều năm nay, những ngày đầu xuân và dịp 20-11, nhân dân các nơi thường đến đền thờ thầy giáo Chu Văn An để thắp hương xin thầy phù hộ cho con cái học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt.

Một trong những tập quán tốt đẹp của người Việt vào những ngày đầu năm mới là “Khai bút”. Ở mỗi gia đình hiện nay vẫn duy trì được nét sinh hoạt văn hóa này. Vào ngày mùng 1 Tết, con cái sẽ viết hay làm bài tập đầu tiên để lấy khước cho cả năm học hành chăm chỉ. Nhưng ở đền thờ thầy giáo Chu Văn An, phong tục “Khai bút” từ lâu đã trở thành “Lễ khai bút đầu xuân”. Lễ hội khai bút ở đền Phượng hoàng mang ý nghĩa tâm linh rất đặc biệt. Đền thờ người thầy giáo vô cùng đáng kính của dân tộc, lại tọa lạc trên núi Phượng hoàng. Theo truyền thống, trong 4 linh vật thì Phượng hoàng được coi là biểu tượng của trí tuệ, cái đẹp. Vùng đất này cũng là nơi có nhiều người học giỏi, thi cử đỗ đạt.

Tháng 11 hàng năm, càng gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhân dân các nơi tìm đến đây ngày càng đông, thắp nén tâm nhang, quỳ lạy trước lăng mộ. Mọi người thường mang sách vở, đồ dùng học tập chủ yếu là bút đến để làm lễ trong đền. Hay mua cây bút, cuốn vở mới nơi nhà sách “Chu Văn An” mang vào đền thắp hương khấn lạy rồi mang về cho con cái dùng để học hành với mong ước con cái sẽ học giỏi, thi cử đỗ đạt. 

Đến thăm núi Phượng hoàng, du khách sẽ vào đền thắp hương tưởng nhớ thầy giáo Chu Văn An. Ngay từ lối vào là chữ “Học” rồi đến dòng chữ “Tôn sư trọng đạo” đúng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nếu không thể đến đền Phượng hoàng dịp 20-11, nhiều sỹ tử lại tìm về đây thắp hương dịp đầu xuân chỉ để thắp một nén hương tưởng nhớ người thầy tâm đức soi sáng cả nghìn đời sau. Người dân Việt Nam tìm đến ngọn núi Phượng hoàng với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, tưởng nhớ đến thầy giáo Chu Văn An.