Khi người dân mạo hiểm tính mạng với… chiếc gương xe

ANTĐ - Hiện nay, xe máy đang là phương tiện giao thông cá nhân phổ biến nhất tại nước ta, với số lượng đăng ký mới không ngừng tăng lên. Trong xu hướng đó, một điều rất đáng ngại là ý thức sử dụng loại phương tiện này của không ít người vẫn còn rất kém, khiến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Trong đó, một trong những quyết định sai lầm song lại rất phổ biến đối với chủ xe máy là… tháo bỏ gương chiếu hậu trong quá trình sử dụng.

“Gương chiếu hậu xe máy… chẳng để làm gì!”

Mặc dù lưu lượng xe máy xuất hiện trên đường phố rất đáng kể, song một thực tế đáng buồn là không dễ tìm được những chiếc xe có đủ 2 gương chiếu hậu ở 2 bên. Đa phần các xe đều bị “tháo trụi” cả 2 gương, hoặc chỉ có gương trái để lấy lệ.

Và kể cả khi tìm được chiếc xe máy có đủ 2 gương chiếu hậu thì cũng rất khó để thấy chủ xe nào thực sự dùng cả 2 chiếc gương này trong quá trình lưu thông nhằm đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh.

Bởi ở những chiếc xe có cả 2 gương thì nhiều người bẻ vào trong thành… gương soi, hay để lệch gập xuống dưới hoặc lên trên…

Những chiếc xe "trụi" gương chiếu hậu vẫn đang xuất hiện phổ biến trên đường

Anh Nguyễn Mạnh Kiên (quận Đống Đa) bày tỏ: “Để nguyên 2 chiếc gương chiếu hậu trông rất xấu, làm hỏng cả dáng xe đi! Thử nhìn xem cái Dream “chiến” này của tôi mà gắn 2 cái “râu” đó vào thì còn đâu dáng phong trần nữa? Nói chung mọi người toàn có tâm lý vậy thôi. Đố ai tìm được chiếc SH đắt tiền nào mà gắn nguyên 2 cái gương đấy!”

Trong khi đó, với chị Bùi Thu Thủy (quận Hai Bà Trưng) thì việc không lắp đủ gương chiếu hậu lại xuất phát từ một lý do khác.

“Mình cảm giác vướng víu thế nào đó, rất bất tiện nếu gắn cả 2 gương. Nhất là khi đi xe máy trong ngõ hay lúc đường đông, giờ cao điểm. Cứ thấy không thoải mái bằng việc đi xe “trụi gương” ấy”, chị Thủy cho hay.

Tâm lý “sợ mất dáng xe” hay “vướng víu” là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều chủ xe luôn yêu cầu tháo 1 bên hoặc cả 2 bên gương chiếu hậu của xe máy ngay khi vừa mua.

Thậm chí, ngay ở nhiều hàng bán-sửa xe, các tay thợ còn nắm bắt rõ được tâm lý này của người tiêu dùng để… “đổi phải thay trái”.

“Hiếm có xe nào để 2 gương. Mà có để thì bọn em cũng thường chủ động đảo vị trí, gương trái lắp sang bên phải còn gương phải lắp sang bên trái, vì như thế dáng gương trông đứng hơn, gọn hơn”, một thợ sửa xe trên phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) bày tỏ.

Thiếu gương chiếu hậu, như... “mù mắt sau”

Không phải tự nhiên các nhà sản xuất xe gắn máy lại thiết kế 2 chiếc gương chiếu hậu ở 2 bên như vậy. Do đó, việc tự ý bỏ bớt thành phần so với thiết kế ban đầu chắc chắn sẽ để lại “lỗ hổng” trong quá trình sử dụng.

“Gương chiếu hậu có vai trò rất quan trọng, giúp người điều khiển luôn chủ động quan sát được khoảng không gian rất rộng phía sau, từ đó có thể điều chỉnh kịp thời trong quá trình lái. Nếu không có gương chiếu hậu, người điều khiển xe máy sẽ luôn phải quay đầu, ngoái cổ để quan sát khi có ý định chuyển làn hoặc rẽ, quay đầu. Khi đó, khả năng phản xạ sẽ giảm xuống đáng kể, vì họ không để mắt tới phía trước được. Mà đấy là với điều kiện người đi xe có ý thức quan sát, còn hiện giờ, không ít người thậm chí còn không buồn quan sát khi đánh tay lái, hết sức nguy hiểm”, anh Trần Phong – một thợ chính chuyên sửa chữa xe máy ở Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) – cho biết.

Tuy đơn giản nhưng việc dùng đúng gương chiếu hậu sẽ giúp hạn chế rất nhiều rủi ro trên đường

Cũng theo anh Phong, việc duy trì quỹ đạo ổn định khi di chuyển là rất quan trọng, tránh được những va chạm đáng tiếc. Thế nhưng, một khi đã tháo gương chiếu hậu trái hoặc phải thì khoảng không gian có thể quan sát ở phía sau mất hẳn đi.

“Khi đó, giống như người mù ra đường vậy. Khi có tiếng còi thì tay lái sẽ loạng choạng để tránh, tất cả hoàn toàn dựa trên cảm tính vì không biết đó là xe thế nào, đi nhanh hay chậm, theo hướng nào và khả năng áp sát mình ra sao”, anh Phong chia sẻ.

Trong khi đó, bác Nguyễn Văn Hải – tài xế xe bus lưu thông hàng ngày trên đường – bày tỏ: “Tôi gặp rất nhiều trường hợp xe máy không có gương chiếu hậu, nên có thể tạt đầu xe phía sau bất kỳ lúc nào, vì họ không quan sát và để ý gì cả. Đi trên đường, tôi thấy một thực tế là va chạm cùng chiều xảy ra phổ biến hơn nhiều so với va chạm ngược chiều, vì đối diện thì ai cũng thấy, cũng chủ động tránh được, nhưng cùng chiều thì rất khó, khi người ta không để gương quan sát phía sau. Chỉ cần một người lạng tay lái, người sau không tránh kịp là va chạm xảy ra. Mà muốn an toàn là phải có cả 2 gương, vì giờ nhiều người vô ý thức, vượt phải với tốc độ cao, không có gương phải là dễ tai nạn ngay”.

Bên cạnh đó, việc dùng loại phụ kiện gương chiếu hậu tiêu chuẩn cũng rất quan trọng, bởi nhà sản xuất đã tính toán cẩn thận về góc quan sát tương ứng với thiết kế của xe. Việc người dùng tự lắp những loại gương trôi nổi trên thị trường vừa không đảm bảo về góc quan sát, vừa có khả năng gây ra sát thương, vì gương “chuẩn” được thiết kế sao cho khi vỡ thì hạn chế tối đa việc tạo ra các mảnh sắc nhọn.

Ngoài ra, pháp luật cũng đã quy định rõ về việc lắp gương chiếu hậu trên xe máy. Trong đó, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu thiếu gương chiếu hậu bên trái người điều khiển xe gắn máy, hoặc có nhưng không có tác dụng, thì người điều khiển bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt lỗi thiếu gương chiếu hậu nói trên vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, khiến tình trạng vi phạm diễn ra hết sức phổ biến.

Một khi cầm lái ra đường mà không đảm bảo khả năng quan sát đầy đủ khoảng không gian phía sau, người điều khiển xe máy hoàn toàn có thể gặp phải những tai nạn đáng tiếc. Vậy nhưng, tới bao giờ sự mạo hiểm tính mạng này mới được nhìn nhận đúng đắn, khi ý thức của nhiều người tham gia giao thông vẫn ở mức thấp “đáng báo động”, còn việc xử phạt hành vi này vẫn chưa được thực hiện triệt để?