Di dời, cải tạo chung cư xuống cấp nguy hiểm: Bảo đảm an toàn cho cư dân

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên ANTĐ ngày 24-2, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các cơ quan chức năng đang khẩn trương lên phương án di dời, bố trí nhà tạm cư cho người dân tại 2 khu chung cư xuống cấp, bị xếp hạng D - cấp đặc biệt nguy hiểm tại quận Ba Đình...

Di dời, cải tạo chung cư xuống cấp nguy hiểm: Bảo đảm an toàn cho cư dân ảnh 1

Tuyệt đối không được sửa chữa, cơi nới các căn hộ đang xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D ở quận Ba Đình (Hà Nội)

Khẩn trương lên phương án di dời

Theo kết quả mới được Sở Xây dựng báo cáo UBND TP về mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội, hiện có 2 tòa nhà nguy hiểm ở cấp độ D - cấp đặc biệt nguy hiểm, bắt buộc phải di dời là tòa nhà G6A Thành Công (nhà xây gạch cao 5 tầng) gồm 3 đơn nguyên, thì đơn nguyên 1 và 2 cấp độ nguy hiểm loại D, đơn nguyên 3 cấp độ C; tòa nhà A Ngọc Khánh (nhà lắp ghép tấm lớn cao 5 tầng) có 2 đơn nguyên, trong đó cấp độ nguy hiểm của đơn nguyên 1 là loại D, đơn nguyên 2 loại C.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc rà soát đánh giá mức độ nguy hiểm của các chung cư cũ trên địa bàn TP được Sở thực hiện theo đúng quy trình. Riêng với các chung cư nguy hiểm mức độ D, Sở đã mời chuyên gia đầu ngành về kết cấu để tham vấn, khi đảm bảo các cơ sở khoa học, Sở mới trình thành phố để phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành cải tạo các chung cư cũ theo lộ trình thích hợp.

“Đây là vấn đề liên quan đến đời sống của hàng trăm hộ dân nên chúng tôi đã hết sức thận trọng thực hiện các bước rà soát, kiểm định đúng quy trình, kết quả đảm bảo tuyệt đối chính xác”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định. Trước hiện trạng đó, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình khẩn trương lên phương án di dời, bố trí nhà tạm cư và lập phương án việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại 2 chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng nói trên.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, UBND quận Ba Đình, UBND phường Thành Công, phường Ngọc Khánh cần khẩn trương khảo sát, làm việc với các hộ dân, lên phương án trình Sở Xây dựng Hà Nội để báo cáo thành phố bố trí di dời, đảm bảo an toàn cho người dân và cải tạo khu chung cư cũ. Khi có phương án của quận Ba Đình, Sở Xây dựng sẽ bố trí ngay nhà tạm cư. Việc bố trí nhà tạm cư sẽ dựa trên nguyên tắc đảm bảo tốt nhất cuộc sống của người dân.

Di dời, cải tạo chung cư xuống cấp nguy hiểm: Bảo đảm an toàn cho cư dân ảnh 2

Nhiều thanh sắt được dùng để gia cố từ tầng 1 tới tầng 5 khu đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh

Hướng đi mới tháo gỡ những vướng mắc

Sau nhiều năm, số lượng các chung cư cũ được cải tạo tại Hà Nội vẫn là con số rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Lý giải những vướng mắc trong quá trình thực hiện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phân tích: Nhà chung cư cũ là đa sở hữu, do vậy để đạt được sự đồng thuận của đa số người dân là không dễ. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt thì khu vực lõi đô thị thuộc 4 quận nội thành cũ cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người.

Từ khi người dân nhận nhà cách đây khoảng 50 năm, số lượng nhân khẩu, số hộ dân tại các khu chung cư cũ vốn tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành đã tăng lên nhiều lần. Thực tế cho thấy, để vừa bảo đảm quy hoạch đô thị, tránh tăng mật độ dân số vùng lõi, vừa cải thiện diện tích và chất lượng nơi ở cho người dân và phải bảo đảm bài toán kinh tế cho chủ đầu tư là việc rất khó...

Di dời, cải tạo chung cư xuống cấp nguy hiểm: Bảo đảm an toàn cho cư dân ảnh 3

Khe hở hình chữ V giữa 2 đơn nguyên nhà A Ngọc Khánh

Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 101 về các vấn đề liên quan đến cải tạo chung cư cũ với một số nội dung đã tháo gỡ phần nào những khó khăn, vướng mắc trên như: chỉ cần 51% hộ dân đồng thuận là có thể tiến hành cải tạo chung cư cũ; những vướng mắc giữa người dân và chủ đầu tư không tự giải quyết được, thì sau 3 tháng (với chung cư xuống cấp nguy hiểm), sau 12 tháng (với chung cư cũ) thì TP sẽ tiến hành cưỡng chế. Nghị định cũng nêu rõ UBND tỉnh, thành phố có quyền tự điều chỉnh quy hoạch về mật độ dân số, độ cao tầng, trừ 4 quận nội thành muốn điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng phê duyệt...

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ là việc lớn, khó và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư, do vậy cần tạo được sự đồng bộ về pháp lý và đặc biệt là cần tuyên truyền hiệu quả để người dân ủng hộ. “Trong năm 2016, Sở Xây dựng sẽ lên kế hoạch trình TP duyệt để tập trung cải tạo các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn 4 quận nội thành, giải quyết nhanh những bức xúc của người dân”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

UBND quận Ba Đình: Giao trách nhiệm cho các phường công khai tới từng hộ dân

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình về việc xử lý kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng các nhà chung cư trên địa bàn quận Ba Đình.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các phường Ngọc Khánh, Thành Công (quận Ba Đình) thông báo tới các hộ dân đang sinh sống tại khu nhà G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh (2 nhà chung cư đang ở mức độ nguy hiểm D là mức độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình) phải chủ động tháo dỡ các phần cơi nới trái phép ảnh hưởng đến kết cấu công trình, xây dựng phương án đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Thông tin về tiến độ triển khai, ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: “Sau khi UBND TP có chỉ đạo, UBND quận Ba Đình đã họp giao trách nhiệm cho phường Thành Công, phường Ngọc Khánh, phường Giảng Võ và phường Cống Vị là những địa bàn có các nhà chung cư thuộc loại nguy hiểm. Hiện các phường đang thống kê số liệu để xây dựng phương án di dời theo chỉ đạo của UBND TP. UBND Quận Ba Đình cũng đã họp với UBND các phường và các đơn vị chức năng triển khai các kế hoạch, trong đó giao trách nhiệm cho các phường công khai tới từng hộ dân. Việc lắp biển cảnh báo nguy hiểm cũng sẽ được thực hiện sau khi rà soát lại, qua đó hướng dẫn cẩn thận đối với người dân đang sinh sống tại các khu chung cư có nguy hiểm”. 

Ông Ngô Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội:  Không sửa chữa, cơi nới các căn hộ

Theo thống kê của phường Thành Công, 100% các khu nhà tập thể xây dựng trên địa bàn phường có tuổi thọ hàng chục năm và đến nay đều đã xuống cấp, hư hỏng. Hàng năm, phường đều có khảo sát, đánh giá, thống kê mức độ xuống cấp của từng căn hộ, chung cư.

Tuy nhiên, do không có phương tiện nên chỉ kiểm tra, khảo sát bằng trực quan. Ngày 16-1-2016, UBND phường nhận được văn bản 370 của Sở Xây dựng về việc xử lý kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng các nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

UBND phường Thành Công đã có văn bản gửi Bí thư chi bộ số 12, Trưởng ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư số 12 và các tổ trưởng, tổ phó dân phố nhà G6A, phường Thành Công thuộc công trình nguy hiểm mức độ D, tuyên truyền vận động bà con nắm được và đề nghị chủ sở hữu, người sử dụng tự tháo dỡ phần cơi nới trái phép, làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Tuyệt đối không sửa chữa, cơi nới các căn hộ thuộc nhà G6A, đồng thời, UBND phường cũng có văn bản báo cáo tình trạng nhà G6A gửi UBND quận, Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình xin ý kiến chỉ đạo.

Ông Nguyễn Đức Tâm (P203, Nhà A Ngọc Khánh): Tính mạng con người là trên hết

Tôi quan sát khe nứt giữa 2 đơn nguyên tòa nhà thường chỉ 10cm mà giờ tách rộng tới mức người đi lọt được, cầu thang đơn nguyên 1 tòa nhà phải chống bằng thanh sắp từ tầng 1 tới tầng 5. Chủ trương của thành phố là di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo thành phố.

Nếu nguy hiểm tới mức buộc phải di dời thì chúng tôi sẵn sàng. Gia đình tôi chuyển tới đây ở từ năm 1987, gần 30 năm sinh sống ở đây, giờ nếu chuyển đi nơi khác chúng tôi cũng suy nghĩ, trăn trở lắm chứ. Nhưng suy cho cùng thì an toàn tính mạng con người vẫn là trên hết.

Nhiều người dân ở khu nhà này cũng có suy nghĩ như tôi, rất ủng hộ chủ trương phá dỡ tòa nhà của thành phố. Chỉ có số ít hộ dân đang sống ở tầng 1 còn băn khoăn vì mỗi tháng họ cho thuê mặt bằng trên dưới 30 triệu đồng. Nhưng cũng chẳng thể vì tiền mà để nguy hiểm tới tính mạng của chính mình và gia đình được.

Ông Phạm Công Đại (Phòng 205, nhà G6A tập thể Thành Công): Phải đảm bảo lợi ích cho người dân

Gia đình chúng tôi cũng như những hộ dân khác sống ở đây luôn sẵn sàng chấp hành chủ trương của UBND TP Hà Nội đối với việc xây, cải tạo lại những khu chung cư cũ và hư hỏng. 

Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân chúng tôi là khi cải tạo sửa chữa phải đem lại lợi ích cho Nhà nước và lợi ích trực tiếp của người dân. Khi thực hiện cải tạo, sửa chữa hay xây mới phải đáp ứng được nguyện vọng cho chúng tôi là được tái định cư ở đây.

Bên cạnh đó, người dân mong muốn khi tạm cư, tái định cư phải đảm bảo các chế độ, quyền lợi theo quy định của luật pháp. Mặt khác, thành phố cần có chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân di dời đến nơi ở mới.

Bà Phan Thị Hồng (Phòng 204, nhà G6A tập thể Thành Công): Mong muốn sớm được ổn định

Căn hộ của gia đình tôi đang ở sàn nhà bị dốc, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được một cách rõ ràng. Có lẽ không chỉ gia đình tôi, mà tâm tư nguyện vọng của nhiều người dân cũng mong muốn sớm được sinh sống ổn định tại một chung cư an toàn.

Do vậy, nếu thành phố có chủ trương cải tạo, xây dựng mới thì chúng tôi rất ủng hộ, nhưng chúng tôi cũng rất lo ngại lúc đi khỏi đây, khi quay về sẽ gặp phải những khó khăn… bởi hiện nay cuộc sống hiện tại của chúng tôi ở khu vực này đang khá thuận tiện.

Ông Nghiêm Xuân Tuy (Phòng 308, G6A - Trưởng Ban công tác mặt trận, địa bàn khu dân cư số 12, phường Thành Công, quận Ba Đình): Phải được trở về nơi ở cũ

Sau khi biết được những thông tin báo chí nêu, tôi cũng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con đang sống ở chung cư này và báo cáo Đảng ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cũng chưa triển khai việc họp với dân mà mới chỉ thu thập tình hình.

Cuộc sống của bà con ở đây đang ổn định từ hàng chục năm qua nên họ cũng không muốn phải dời đi. Nguyện vọng của bà con đều nhất trí chủ trương xây dựng, hay sửa chữa chung cư này, dù tạm cư ở đâu nhưng tái định cư phải được trở về chính nơi cũ.