Cơ hội nhưng không dễ

ANTĐ - Nhật Bản được xem như thị trường “vàng” của xuất khẩu lao động Việt Nam bởi thu nhập cao, công việc đảm bảo, an sinh xã hội tốt. Việc Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng đang là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.

Cơ hội nhưng không dễ  ảnh 1Các ứng viên điều dưỡng đi làm việc tại Nhật Bản phải học tiếng Nhật tập trung trong 1 năm

Tăng liên tiếp trong các năm gần đây

Theo Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, những năm gần đây, tốc độ già hóa dân số nhanh và tỉ lệ sinh thấp khiến tình hình thiếu hụt lao động của Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng. Để bù đắp sự thiếu hụt này, Nhật Bản đã nới lỏng các chính sách đối với lao động có tay nghề và mở rộng hệ thống đào tạo, chia sẻ công nghệ với các nước đang phát triển thông qua hình thức tiếp nhận thực tập sinh trong đó có Việt Nam. Hiện nay, số lượng thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản chiếm tỷ lệ khá cao, chỉ sau Trung Quốc.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam, xếp thứ hai sau Đài Loan (Trung Quốc) về tỷ trọng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính tới tháng 5-2016, cả nước có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh Việt Nam sang thực tập, làm việc tại Nhật Bản không ngừng tăng qua các năm và đặc biệt tăng nhanh từ năm 2014 (với gần 20.000 thực tập sinh). Năm 2015, Việt Nam đã đưa được hơn 27.000 thực tập sinh sang Nhật Bản, dự báo con số này còn khả quan hơn trong năm 2016. 

So với cách thị trường xuất khẩu lao động khác như Đài Loan, Malaysia, Trung Đông… Nhật Bản được xem là thị trường cao cấp. Làm việc tại thị trường Nhật Bản, lao động Việt Nam không chỉ được nâng cao kiến thức mà họ còn có mức thu nhập khá. khoảng 1.500 USD/tháng. Về cơ bản, thực tập sinh Việt Nam được cơ quan chức năng và các nghiệp đoàn tiếp nhận lao động của Nhật Bản đánh giá tốt.  

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Nhật Bản đang cần lao động chính là cơ hội tốt cho Việt Nam. Tuy nhiên để người lao động có thể làm việc tại quốc gia này là điều không hề dễ dàng bởi Việt Nam hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí, điều kiện từ phía Nhật Bản.

Cụ thể, hầu hết các đơn hàng của Nhật Bản đều không tiếp nhận lao động nước ngoài tay nghề thấp, lao động cơ bản trong khi lao động Việt Nam phần lớn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc có đào tạo nhưng trình độ chuyên môn mới chỉ ở trên sách vở chưa có kỹ năng nhất định. Một vấn đề nữa là các lao động Việt Nam  gặp khó khăn và mất khá nhiều thời gian trong việc học tiếng Nhật. Do đó dù cơ hội có sẵn nhưng không phải người lao động nào cũng nắm bắt được.

Ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, cánh cửa xuất khẩu lao động Nhật Bản đã mở rộng hơn với lao động Việt Nam so với trước đây. Cụ thể, Nhật Bản đã bớt khắt khe hơn với các chỉ  tiêu tuyển dụng đầu vào, thời gian đăng ký xuất cảnh cũng được rút ngắn để người lao động có thể vượt qua các đợt thi tuyển vào làm việc tại nước này. Tuy nhiên, họ bớt khắt khe không có nghĩa là dễ dãi. Cơ hội với thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản nhiều nhưng rủi ro cũng lớn nếu các doanh nghiệp không đáp ứng đúng và đủ nguồn lực.

Để tiếp tục duy trì và đón đầu các cơ hội sắp tới, các doanh nghiệp cần phải khắt khe hơn trong tuyển dụng, đào tạo để có nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao thì mới có thể ký kết được các đơn hàng dài hạn.