Chưa yên tâm với chất lượng bánh Trung thu

ANTĐ - Thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu bắt đầu tăng tốc để chuẩn bị cho ngày Rằm Trung thu đang đến gần. Theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng mà ngay cả các cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống trên địa bàn Hà Nội cũng đã có sự thay đổi tích cực, song vẫn tồn tại những sai phạm khiến người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm.
Chưa yên tâm với chất lượng bánh Trung thu ảnh 1

Nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống đã cải thiện điều kiện sản xuất

Chưa yên tâm với chất lượng bánh Trung thu ảnh 2

Lo nhất là khâu kiểm soát nguyên liệu sản xuất bánh trung thu

Bộ mặt mới, bên trong vẫn… cũ

Vài năm gần đây, những sản phẩm bánh Trung thu mang thương hiệu của các công ty bánh kẹo, thực phẩm lớn ngày càng phổ biến và lấn át trên thị trường. Tuy nhiên, một số địa chỉ sản xuất bánh Trung thu truyền thống của Hà Nội nhờ nỗ lực thay đổi vẫn giữ được lượng khách hàng nhất định. Theo ghi nhận của chúng tôi thời điểm này, để chuẩn bị cho mùa Trung thu sắp tới, các cơ sở sản xuất ở giữa phố Thụy Khuê đều đã tuyển dụng thêm công nhân, sửa sang lại nhà xưởng, điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất cũng như đầu tư công nghệ mới để nâng cao chất lượng bánh.

Dù vậy, tại cơ sở T.A ở Thụy Khuê, đập thẳng vào mắt khách hàng là cảnh hàng chục công nhân đang nhào bột, đổ khuôn trên chiếc bàn inox nằm ngay cạnh cầu thang, trước cửa nhà vệ sinh. Qua quan sát, trong số các công nhân đang sản xuất không ai mặc đồ bảo hộ mà đều là áo phông, tay trần, đầu tóc cũng để trần không đội mũ, người đeo tạp dề thì mặc quần soóc, đi dép lê. Mua một cặp bánh nhân lạp xường tại đây với giá 50.000 đồng/chiếc, chúng tôi thấy trên mỗi chiếc bánh đều có nhãn phụ ghi rất đầy đủ từ thành phần, nguyên liệu, tên hộ kinh doanh cũng như phần ghi chú hạn sử dụng của bánh (bánh nướng là 20 ngày, bánh dẻo là 10 ngày kể từ ngày sản xuất), song riêng dòng ghi ngày sản xuất của bánh thì lại… để trống, tức không rõ ngày sản xuất theo quy định.

Tại xã La Phù (huyện Hoài Đức), đang vụ cao điểm, không khí sản xuất, kinh doanh tại làng nghề bánh kẹo truyền thống này rất nhộn nhịp. Do không cạnh tranh được với bánh Trung thu của các thương hiệu lớn nên những năm gần đây số cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống tại La Phù giảm rõ rệt, từ gần 100 cơ sở sản xuất trước kia nay chỉ còn 8 cơ sở. Đây đều là những cơ sở có sự đầu tư lớn từ công nghệ đến ý thức đảm bảo ATVSTP để có thể tồn tại được với nghề.

 Qua khảo sát, một số cơ sở đã ốp đá toàn bộ nhà xưởng sản xuất, làm vách ngăn khu sản xuất với khu sinh hoạt, inox hóa toàn bộ dụng cụ cũng như giá chứa đựng nguyên liệu, bánh thành phẩm, song khó khăn chung của các cơ sở ở đây là mặt bằng sản xuất còn chật chội, khó đảm bảo quy trình sản xuất 1 chiều theo hướng dẫn. Tình trạng công nhân sản xuất không đeo khẩu trang, đi dép không đúng loại vào khu sản xuất vẫn phổ biến… 

Giám sát chặt nguyên liệu đầu vào

Trước câu hỏi của chúng tôi về việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào sản xuất bánh Trung thu, ông Dư Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù phụ trách về ATVSTP cho biết, qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất đều có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Cụ thể, “nơi họ nhập hàng chủ yếu là từ các cơ sở sản xuất nguyên liệu tại Xuân Đỉnh và nguyên liệu lạp xường Bà Chị ở chợ Đồng Xuân” - ông Dư Quốc Bảo nói.

Còn về tình trạng sản xuất bánh kẹo nhái, làm giả thương hiệu của các hãng thực phẩm nổi tiếng như một số thông tin dư luận phản ánh gần đây về “kinh đô bánh kẹo La Phù”, lãnh đạo chính quyền xã La Phù cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, quản lý thị trường để kiểm tra thông tin này, hiện chưa phát hiện sai phạm nhưng nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm. 

Theo thông tin ông Dư Quốc Bảo cung cấp, chúng tôi tiếp tục khảo sát tại đầu mối cung cấp lạp xường làm nhân bánh Trung thu ở chợ Đồng Xuân. Từ điểm gửi xe trước cổng chợ, hỏi thăm người trông xe nơi bán “lạp xưởng Bà Chị” trong chợ Đồng Xuân, người trông xe cho biết: “Lạp xưởng Bà Chị” là thương hiệu nổi tiếng, nếu em mua về để dùng thì bảo chủ quán bán cho loại 1kg đã đóng gói sẵn thành 4 túi chứ đừng mua loại mà họ để chung trong bao bì rồi khách mua bao nhiêu mới lấy ra cân, đóng gói.

Loại đó là loại rẻ tiền, chất lượng kém hơn, chủ yếu được mua về để làm nhân bánh” - người trông xe nhiệt tình dặn dò chúng tôi. Vào trong chợ hỏi mua, quả thực loại 1kg đóng gói sẵn có giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, còn loại để trong bao bì không nhãn mác giá chỉ từ 100.000-120.000 đồng/kg.

Phản ánh thực trạng này đến Thanh tra Sở Y tế, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở cũng đã nhận được thông tin phản ánh về hiện tượng như trên tại chợ Đồng Xuân và đã chỉ đạo Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Qua kiểm tra, nếu phát hiện có tình trạng bán nhân bánh Trung thu nói riêng, thực phẩm nói chung không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ lập biên bản xử lý. Ông Nguyễn Việt Cường cho biết thêm, hiện đang đầu mùa sản xuất bánh Trung thu nên Thanh tra Sở tập trung kiểm tra nguyên liệu làm bánh, sang tuần sau mới tập trung kiểm tra tại các cơ sở sản xuất.