Cho phép kinh doanh karaoke tại chung cư: Người dân lo bị ảnh hưởng

ANTĐ - Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ  10-12-2015 cho phép kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư. Tuy nhiên, đối với phần căn hộ, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không được phép sử dụng để kinh doanh. 

Cho phép kinh doanh karaoke tại chung cư: Người dân lo bị ảnh hưởng ảnh 1Tại nhiều khu chung cư, phần lớn diện tích để kinh doanh chủ yếu là dịch vụ: nhà hàng, quán cà phê, quán karaoke...

Phải đảm bảo nhiều điều kiện

Theo quy định mới, việc kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar trong chung cư phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, phần diện tích dùng để kinh doanh chủ yếu dành cho các dịch vụ như cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, hiệu thuốc, cửa hàng quần áo, nhà hàng, quán ăn, cà phê, dịch vụ làm đẹp, phòng tập thể hình... Một số ít chung cư có nhà hàng, quán cà phê có kèm theo dịch vụ karaoke dưới hình thức giao lưu âm nhạc. Loại hình câu lạc bộ, quán bar chỉ xuất hiện tại một số khu chung cư cao cấp. 

Tại các cụm, khu chung cư dọc tuyến đường 70 như Khu đô thị Xa La, Khu đô thị Đại Thanh, phần diện tích kinh doanh chủ yếu nằm tại các ki-ốt ở tầng 1 và một số ít căn hộ ở tầng 2. Loại hình kinh doanh tại các khu đô thị này tương đối đa dạng, với mục đích chính là phục vụ cư dân tại các tòa nhà. Tuy nhiên, không thấy có dịch vụ karaoke, quán bar.

Anh Nguyễn Đức Việt - nhà CT8B - Khu đô thị Đại Thanh cho biết: “Từ khi tôi về ở khu này, chưa thấy ai kinh doanh quán bar hay karaoke. Có lẽ đầu tư các dịch vụ này tại khu chung cư là tương đối mạo hiểm bởi nhu cầu của người dân trong tòa nhà không nhiều, lại khó thu hút khách hàng từ bên ngoài. Hơn nữa, các loại hình dịch vụ này đòi hỏi điều kiện kinh doanh tương đối khắt khe và dễ gặp phải sự phản đối của người dân trong tòa nhà khi gây tiếng ồn, mất trật tự”. 

Ghi nhận tại các Khu tái định cư Nam Trung Yên, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính cũng cho kết quả tương tự. Tại các khu tái định cư, phần lớn diện tích tầng 1 được sử dụng với mục đích trông giữ xe, một phần diện tích còn lại được đưa vào kinh doanh các dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê.

Xu hướng đa chức năng

Cũng theo quy định mới, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh sẽ phải chấm dứt trong vòng 6 tháng sau khi Nghị định 99/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Muộn nhất là tới 10-6-2016, việc sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh phải chuyển sang địa điểm khác. 

Đánh giá về quy định cho phép kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar tại phần diện tích kinh doanh của chung cư, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Việc này không có trở ngại gì nếu không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu nhà ở đó”. 

“Hiện nay, nhiều quán karaoke được cách âm rất kỹ nên có khi mở ngay cạnh nhà mình cũng không biết. Ồn ào là có nhưng chỉ trong nội bộ của quán. Hơn nữa, các loại hình kinh doanh được mở ra là để phục vụ người dân, những người có nhu cầu càng đỡ phải đi lại nhiều”, ông Phạm Sỹ Liêm chia sẻ.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết thêm: “Xu hướng mới trong các khu đô thị là sử dụng tòa nhà với nhiều chức năng. Trước đây có xu hướng phân tách, khu nhà ở riêng, khu làm việc riêng, khu buôn bán riêng, nhưng tách như vậy khiến người dân sống trong khu đô thị phải đi lại nhiều. Việc sử dụng chức năng hỗn hợp sẽ góp phần giảm lưu lượng giao thông đô thị”.    

       

Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội:Còn dễ dãi trong việc cấp phép kinh doanh

Hiện nay, các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hay vũ trường, cơ sở massage, ngoài giấy phép kinh doanh còn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT do cơ quan công an cấp. Trong khi đó, việc kinh doanh các quán bar lại chỉ cần giấy phép của Phòng Quản lý Văn hóa - Sở VH-TT Hà Nội và giấy đăng ký kinh doanh là có thể hoạt động được.

 Thời gian gần đây, qua công tác theo dõi nắm tình hình, có thông tin xuất hiện nhiều bar biến tướng như có nhạc mạnh, múa cột thiếu lành mạnh, buôn bán rượu không rõ nguồn gốc, CATP cũng đã tăng cường kiểm tra nhưng chỉ xử lý được hành vi buôn bán rượu không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, hoàn toàn không kiểm tra được việc thực hiện đúng quy định quản lý Nhà nước về kinh doanh bar. Tuy nhiên theo quy định, nếu phát hiện 3 lần sai phạm, cơ quan công an có thể kiến nghị đóng cửa quán bar.

Thiếu tá Lê Văn Toàn, Trưởng CAP Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm: Xử lý nghiêm các loại hình biến tướng

Karaoke là loại hình kinh doanh thuộc danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện đã phân cấp quản lý cho công an các quận, huyện. Do đó để được phép kinh doanh, chủ cơ sở phải hoàn thành hồ sơ trình cơ quan công an, sau đó mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Để lách luật, trốn tránh quy định này, hiện nay tại một số nhà chung cư xuất hiện các quán cà phê treo biển “Hát cho nhau nghe”. Vì đây thường là hộ kinh doanh cá thể nên chỉ cần đăng ký kinh doanh là có thể hoạt động mà không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. 

Trước tình trạng lách luật này, CAP Xuân Đỉnh đã xử lý nghiêm khắc, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, thu giữ các phương tiện âm ly, loa đài gây tiếng ồn và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với chủ cơ sở cố tình vi phạm nhiều lần, cơ quan công an sẽ lập biên bản, kiến nghị UBND cấp quận thu hồi giấy đăng ký kinh doanh. 

Bà Vũ Thùy Anh - Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa- Sở VH-TT Hà Nội:
Không cấp phép kinh doanh karaoke tại căn hộ chung cư


Thực hiện  Thông tư số 54/2006/TT-BVHTT ngày 18-1-2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) về việc hướng dẫn quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường, năm 2008, Hà Nội đã hoàn thành Quy hoạch karaoke, vũ trường. Năm 2012, Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đến năm 2020 của từng quận, huyện cũng đã hoàn thành.

Hiện tại, theo quy hoạch, việc cấp phép kinh doanh loại hình dịch vụ này được thực hiện bởi UBND các quận, huyện. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, căn hộ chung cư không thuộc phạm vi điều chỉnh, có nghĩa, không cấp phép cho các cơ sở kinh doanh karaoke tại các căn hộ chung cư.  Quận, huyện nào cấp phép là làm sai.