Giới nhà giàu Trung Quốc góp phần làm gia tăng nạn buôn lậu gỗ

ANTĐ - Nhu cầu đồ gỗ,  nội thất của giới nhà giàu Trung Quốc đang làm “hồi sinh” nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, bất chấp nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn hành vi hủy hoại môi trường này. Đây là nhận định của tổ chức Chatham House, có trụ sở tại Anh trong một cảnh báo về tình trạng phá rừng bừa bãi.

Thúc đẩy thị trường “đen” gỗ quý

Hôm 22-7, tòa án ở Myitkyina, thủ phủ bang Kachin, miền Bắc Myanmar đã tuyên án tù chung thân đối với 153 công dân Trung Quốc vì tội khai thác gỗ trái phép. Những nghi phạm này bị bắt giữ hồi tháng 1 năm nay trong một cuộc trấn áp khai thác gỗ trái phép của quân đội, cảnh sát và lực lượng lâm nghiệp Myanmar. Hơn 400 xe chở gỗ và 1.600 khúc gỗ đã bị thu giữ trong cuộc trấn áp này.

Giới nhà giàu Trung Quốc góp phần làm gia tăng nạn buôn lậu gỗ ảnh 1

Một nhóm khai thác gỗ lậu ở Kachin, Myanmar hồi năm 2011

Khu vực dọc biên giới Myanmar với Trung Quốc từ lâu là điểm nóng của hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu lớn từ Bắc Kinh. Một báo cáo năm 2014 của Cơ quan điều tra môi trường (Environmental Investigation Agency) - một tổ chức được thành lập năm 1984 bởi ba nhà hoạt động vì môi trường tại Anh đã ước tính lượng gỗ lậu “chảy máu” từ Myanmar trong giai đoạn năm 2000-2013 trị giá 5,7 tỷ USD.

Giới nhà giàu Trung Quốc góp phần làm gia tăng nạn buôn lậu gỗ ảnh 2

Chặt phá cây bừa bãi khiến Trái đất nóng lên

Trong khi đó, một điều tra khác của EIA cảnh báo, loại gỗ hồng sắc quý của Myanmar có nguy cơ tuyệt chủng do sự khai thác trái phép quy mô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu của giới thượng lưu Trung Quốc. Chính phủ Myanmar còn lo ngại, các nhóm phiến quân sắc tộc ở phía bắc nước này đang hưởng lợi từ việc buôn lậu gỗ cho đối tác Trung Quốc. Vậy nên, bản án nặng đối với hơn 100 kẻ buôn lậu gỗ người Trung Quốc được coi như thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ Myanmar tới những đối tượng có hành vi sai trái tương tự.

Tuy nhiên, không chỉ Myanmar phải đau đầu với nạn khai thác gỗ lậu, nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt với tình trạng này. Một bài viết trên Financial Times nhận định, nhu cầu tăng vọt của Trung Quốc đã thúc đẩy thị trường “đen” gỗ quý ở Đông Nam Á, đồng thời làm gia tăng căng thẳng chính trị đối với việc chảy máu nguồn tài nguyên tự nhiên.

Sở thích trưng bày đồ nội thất bằng gỗ quý đã làm gỗ hồng sắc có giá lên đến hàng chục nghìn USD/m3 và châm ngòi cho cuộc đụng độ giữa những kẻ khai thác trộm gỗ và lực lượng kiểm lâm ở khu vực Mekong. “Cơn sốt của Trung Quốc đối với gỗ quý đang tạo ra hàng triệu giao dịch gỗ lậu ở khu vực này” - Megan MacInnes, một nhà hoạt động thuộc tổ chức Global Witness có trụ sở ở London cho biết. 

Trong khi đó, theo bài viết “Trung Quốc: Nguyên nhân (và giải pháp?) khai thác gỗ lậu” đăng trên trang mạng Thediplomat.com, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu và tiêu thụ gỗ lớn nhất thế giới. Năm 2013, sản phẩm gỗ nhập khẩu của Trung Quốc là 94 triệu m3, gấp 3 lần so với năm 2000, trong khi lượng xuất khẩu đồ gỗ là 53 triệu m3, gấp gần 5 lần cách đây 13 năm.

Chưa quyết liệt ngăn chặn

Cũng theo bài viết trên, Bắc Kinh kiểm soát việc nhập khẩu gỗ kém nghiêm ngặt so với các quốc gia phương Tây, trong khi hạn chế ưu đãi nhằm khuyến khích nguồn cung hợp pháp, dẫn tới hậu quả là tiến trình ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép trên toàn cầu bị chậm lại đáng kể. Trung Quốc hiện nhập rất nhiều gỗ chưa chế tác và xuất khẩu những sản phẩm đã qua xử lý. Tình trạng này khiến việc truy tìm và xác nhận tính hợp pháp của các khối gỗ càng trở nên khó khăn hơn. 

Theo Alison Hoare - chuyên gia nghiên cứu cao cấp về lĩnh vực năng lượng, môi trường và tài nguyên tại Chatham House, Trung Quốc đã thực hiện số biện pháp ngăn chặn tình trạng gỗ nhập lậu, nhưng hầu hết những nỗ lực vẫn yếu kém. Thực tế, quốc gia có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới này chưa có luật cấm nhập khẩu sản phẩm gỗ bất hợp pháp và chưa có một chương trình mang tính quốc gia nào để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ gỗ lậu.

Chuyên gia Hoare cho rằng, Chính phủ Trung Quốc nên hoàn thiện đạo luật hiện hành về việc xác minh tính hợp pháp các nguồn gỗ trong nước. Quốc gia này cũng cần đào tạo doanh nghiệp cách thức tránh nhập khẩu gỗ lậu. Ngoài ra, Bắc Kinh nên thúc đẩy hoạt động thương mại lâm nghiệp bền vững, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để tăng nhu cầu đối với các sản phẩm hợp pháp.

Hơn nữa, bằng việc hợp tác với các đối tác quốc tế, đưa vấn đề gỗ lậu ra bàn thảo tại các diễn đàn khu vực, Trung Quốc có thể đặt nước mình vào danh sách những quốc gia nỗ lực hàng đầu trong giải quyết nạn khai thác gỗ bừa bãi đang ngày một làm Trái đất nóng lên.