Từ vụ rút trộm 1,4 tỷ Yên qua ATM tại Nhật Bản:

Chủ thẻ phải học cách tự vệ

ANTĐ - Ngày 15-5, tại Nhật Bản xảy ra vụ trộm tiền bằng thẻ tín dụng giả gây chấn động. Chỉ trong vòng vài giờ, 1,4 tỷ Yên (gần 13 triệu USD) đã bị rút trộm tại 1.400 máy rút tiền tự động. Đây là thông tin nhận được sự quan tâm của đông đảo người sử dụng thẻ trong nước. 

Các chủ thẻ cần cẩn trọng trong quá trình giao dịch tránh việc để lộ thông tin

Thủ đoạn không mới

Nhận định về vụ “siêu trộm” nói trên, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin đánh giá: “Về mặt kỹ thuật, việc lấy trộm tiền trong vụ án này không phải là mới. Trên thực tế, phương thức đánh cắp dữ liệu và làm thẻ giả để rút tiền đã được ghi nhận. Điểm đáng chú ý trong vụ việc này là kẻ gian thực hiện ở quy mô lớn, 14.000 giao dịch đã được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn tại 1.400 máy rút tiền”.  

“Một trong những lỗ hổng mà nhóm tội phạm này lợi dụng để tấn công là tại Nhật Bản vẫn cho lưu hành thẻ từ, đây là loại thẻ có độ bảo mật thấp hơn so với thẻ chip. Điều này khiến nhiều người lo sợ bởi thẻ ATM tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là thẻ từ và nhiều chủ thẻ vẫn chưa biết cách bảo mật thông tin khi sử dụng”, vị chuyên gia này phân tích. 

Trước nạn đánh cắp thông tin để làm thẻ giả rút tiền, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo và yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ tăng cường các biện pháp đảm bảo, chủ động phòng chống tội phạm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp như trang bị thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin đối với ATM. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thường xuyên kiểm tra, kiểm soát. 

Ngoài ra, theo lộ trình được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, toàn bộ thẻ từ sẽ được chuyển đổi thành thẻ chip. Bà Nguyễn Tú Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, đến năm 2020, toàn bộ thẻ nội địa tại Việt Nam sẽ được chuyển đổi hoàn toàn từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip có độ an toàn bảo mật cao. Cùng với đó, thẻ nội địa trên toàn thị trường sẽ mang thương hiệu Napas. Trước mắt, sẽ có 5 ngân hàng thí điểm áp dụng việc chuyển đổi trong năm nay và dự kiến sẽ tiến hành chuyển đổi trên diện rộng từ năm 2017. 

Người dùng nên cảnh giác

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc ngân hàng tăng cường các biện pháp bảo mật thì chính người dùng cũng cần học cách bảo mật thông tin tài khoản thẻ của mình để hạn chế tối đa việc có thể bị đánh cắp thông tin. Theo chỉ dẫn của một số tổ chức phát hành thẻ, khách hàng cần đổi mã số cá nhân (PIN) ngay sau khi nhận thẻ.

Đặc biệt, phải tránh các con số có liên quan đến các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe… để tránh việc lộ thông tin cho kẻ xấu lợi dụng. Người dùng không được tiết lộ số PIN, số thẻ cho bất cứ ai, đổi mã PIN thường xuyên và thông báo ngay cho ngân hàng khi quên mã số PIN hoặc phát hiện thẻ bị mất hoặc thất lạc.

Chủ thẻ cần chú ý không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác trừ những nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thẻ. Cần chú ý kiểm tra các thông tin trên hóa đơn thanh toán thẻ, đảm bảo tất cả các giao dịch bằng thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ phải được tiến hành trước mắt và thẻ phải được nhân viên thu ngân hoàn trả ngay sau khi thực hiện xong giao dịch.

Khi rút tiền, chủ thẻ nên lấy tay che khi nhập số để tránh máy ghi hình trộm hoặc người đứng cạnh biết mã PIN. Khi giao dịch thanh toán trực tuyến cần chú ý chỉ thanh toán tại các trang mua sắm uy tín, an toàn, địa chỉ truy cập bắt đầu với “https:”, thực hiện thanh toán thông qua máy tính cá nhân, tránh dùng máy tính của người khác, nhất là máy tính công cộng.... Ngoài ra, chủ thẻ nên đăng kí dịch vụ SMS Banking để nhận thông báo giao dịch phát sinh từ tài khoản của mình giúp phát hiện ngay những giao dịch bất thường.