Trung Quốc âm mưu xây dựng pháo đài quân sự nổi khổng lồ trên biển?

ANTĐ - Hai công ty Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng các ụ nổi dài hàng dặm trên biển, có thể triển khai được đường băng, cầu tàu, sân bay trực thăng, doanh trại hoặc thậm chí là “các căn cứ an ninh toàn diện”.

Tờ Thời báo Tài chính dẫn lời ông Feng Jun, chủ tịch Công ty công nghiệp xa bờ Hải Nam, một công ty tham gia xây dựng, cho biết: “Đến nay, những ụ nổi này chỉ mới ở giai đoạn thiết kế và nghiên cứu”.

Theo tờ báo, trong khi các công ty Trung Quốc nhấn mạnh tiềm năng sử dụng các ụ nổi này cho các mục đích dân sự, như các trung tâm thương mại và điểm du lịch, thì các nhà quản lý cũng thừa nhận rằng các cấu trúc nổi khổng lồ này có thể một ngày nào đó sẽ được hải quân Trung Quốc sử dụng như một pháo đài nổi cho các hoạt động quân sự.

Mô hình ụ nổi khổng lồ trên biển của Trung Quốc

Thông tin trên được công bố vào đúng thời điển Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông để phục vụ các mục đích quân sự.

Các chuyên gia cho biết, việc Trung Quốc triển khai các cấu trúc nổi rất lớn (VLFS) trên Biển Đông có thể sẽ làm gia tăng các mối quan hệ vốn đã căng thẳng trong khu vực.

“Việc triển khai một trong những ụ nổi khổng lồ này ở giữa biển Đông có thể sẽ là một hành động khiêu khích tồi tệ”, ông Richard Bitzinger, một chuyên gia về an ninh hàng hải nói với tờ Thời báo Tài chính.

Quân đội Trung Quốc dường như đã thể hiện sự quan tâm đến các dự án VLFS tại các diễn đàn và hội thảo gần đây của ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự, nhưng một phát ngôn viên thuộc bộ quốc phòng nước này trong tuần qua lại cho rằng ông không biết gì về kế hoạch mua sắm hay sử dụng các cấu trúc nổi khổng lồ như vậy.
Video mô hình ụ nổi khổng lồ của Trung Quốc

Theo truyền thông địa phương, Công ty phát triển quốc doanh Jidong đang đóng góp nhiều ngân sách nghiên cứu nhất cho dự án này. Chiếc ụ nổ khổng lồ đầu tiên này, đang được chế tạo ở gần Bắc Kinh, sẽ được sử dụng như “một căn cứ an ninh toàn diện trên biển sâu”.

Hiện nay, công nghệ này chủ yếu được các công ty dầu khí xa bờ sử dụng để chế tạo giàn khoan.