Nỗi lòng người “cầm cân”

ANTĐ - Xếp lại đống hồ sơ dày cộp, cất gọn vào ngăn tủ, anh dành cho tôi cả một buổi sáng hiếm hoi. Bên tách cà phê đặc sánh, chúng tôi bị cuốn vào những câu chuyện không đầu, không cuối và cũng chẳng biết đến điểm dừng...

Đằng sau mỗi phiên xét xử, những vị thẩm phán luôn chất chứa biết bao nỗi niềm

Ám ảnh những phiên tòa

Dẫu biết rằng phải khơi lại câu chuyện buồn của một vụ án, trong lòng anh và cả tôi nữa đều có chung một cảm giác. Sự đau đớn, xót thương và vô cùng căm phẫn. Nhưng vẫn đành phải vậy, bởi bi kịch hay số phận của một gia đình, cá nhân nào đó vốn luôn đeo đẳng anh vì cái nghề, cái nghiệp. Trân trọng yêu cầu của anh, trong bài viết này, chúng tôi mạn phép được gọi anh bằng cái tên có phần “trần trụi” - thẩm phán Hùng.

Thẩm phán Hùng chậm rãi: “Từng xét xử vô số vụ trọng án, nhưng chẳng hiểu sao phiên tòa ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Anh ta bị xử phạt tử hình là hoàn toàn xứng đáng. Và chỉ có như vậy thì tội lỗi của anh ta mới sớm được gột rửa!”. Anh ta mà thẩm phán Hùng nói đến ở đây là Nguyễn Bá Chỉnh (SN 1968, trú ở Hoài Đức, Hà Nội) đã bị kết án tử hình về tội giết người cách đây không lâu. Giữ trọng trách “cầm cân, nảy mực” nên anh vẫn nhớ như in hôm phiên tòa diễn ra. Bước chân vào phòng xử án quen thuộc, vậy mà anh cùng 4 vị trong HĐXX vẫn bị “sốc” bởi thân hình gầy nhẳng, ốm yếu cùng vẻ mặt hiền lành của bị cáo. Thế nhưng tội ác mà bị cáo gây ra lại trái ngược hoàn toàn với cái vẻ bề ngoài “tử tế” ấy. Làm chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Hùng còn chưa kịp công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử thế mà Chỉnh đã liến thoắng. Chỉnh tận dụng từng giây, từng phút để thanh minh với các anh chị em ruột thịt của anh ta đang ngồi chết lặng dưới hội trường.

Tránh đi vào hành vi phạm tội của bị cáo, thẩm phán Hùng tóm lược, Chỉnh bị mắc bệnh gan, song vẫn ra sức uống rượu. Một ngày cuối năm 2009, anh ta mang chiếc quạt điện của gia đình đi bán lấy 40.000 đồng để uống rượu. Trở về trong trạng thái say xỉn, anh ta bị mẹ đẻ (78 tuổi) trách mắng nên ấm ức trong lòng. Ngay chiều hôm ấy, bà cụ không may bị vấp ngã trước thềm nhà. Thay vì chạy đến nâng bà cụ dậy, anh ta lại vào buồng lấy búa đinh ra đập vào đầu mẹ. Để che giấu tội ác, anh ta đã vác mẹ đặt vào bếp nhà anh trai. Bà cụ qua đời, bộ mặt ác thú của Chỉnh cũng nhanh chóng bị phơi bày… Tội ác của Chỉnh khiến người ta phải ghê tởm nhưng hành vi tội phạm thì chỉ đơn giản có vậy. Thế nên phiên xét xử cũng diễn ra chóng vánh. “Ở vụ án này, ban đầu đại diện bị hại và cũng là người thân của bị cáo chỉ muốn “xé xác” ngay tên “nghịch tử”. Nhưng khi phiên tòa được mở ra, họ lại tha thiết cầu xin tòa án tha chết cho Chỉnh”. - thẩm phán Hùng bảo vậy.

Trầm ngâm giây lát, anh tiếp: “Đó cũng là lẽ thường. Bởi trong hoàn cảnh ấy, họ đã mất đi người thân yêu, đáng kính nhất nay lại phải lìa bỏ thêm một người ruột thịt nữa thì còn gì đau xót hơn!”. Pháp luật là “mực thước” nên dù rất đồng cảm với thân nhân bị hại, thẩm phán Hùng cùng cộng sự của mình vẫn phải chấp pháp nghiêm minh.

Chữ “Nhẫn” làm đầu

Ở chốn “pháp đình”, điều mà bất kỳ ai đến đây cũng đều cảm nhận rất rõ chính là sự uy nghiêm trong mỗi phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên xét xử cùng những vị hội thẩm nhân dân luôn là “một phần” của quyền lực và nhân danh Nhà nước để giữ vững sự uy nghiêm ấy. Thế nhưng đằng sau cái vẻ quyền uy và có phần “lành lạnh” của những người làm nhiệm vụ giữ vững “cán cân công lý” vẫn luôn phải đối mặt với các tình huống thật “oái ăm”.

“Làm nghề gì cũng cần phải có “chữ nhẫn”, song là một thẩm phán thì càng phải nhẫn nhịn hơn”, câu nói ấy của anh thoạt nghe có vẻ “sách vở”. Nhưng ngẫm lại thì thấy anh nói rất đúng. Mới đây, chính anh Hùng đã phải ngậm ngùi khi xét xử một vụ án mà bị cáo là một người bị bệnh tâm thần phân liệt. Thường ngày ông ta chẳng có hành động, cử chỉ gì khác lạ. Vậy mà từ hôm gây án xong, bị cáo bỗng lâm vào trạng thái “ngơ ngơ”, khùng khùng. Trước tòa, cho dù HĐXX đã khản hết cả giọng xét hỏi, song ông ta vẫn không chịu mở mồm. Hiếm hoi lắm, bị cáo mới “nhát gừng” một vài câu, nhưng lại chẳng ăn nhập gì với vụ án. Quyết không thể trì hoãn phiên tòa chỉ vì lý do như thế và cho dù có hoãn xử thì bằng kinh nghiệm của mình, thẩm phán Hùng đoán chắc lần sau sẽ vẫn lại thế. Để “phá” vụ án này, anh Hùng quyết định cho mọi người giải lao. Trở lại xét xử bằng cái giọng tâm tình pha chút “chuyện tào lao”, cuối bị cáo đã bị khuất phục. Chân tướng của vụ án được thể hiện trong hồ sơ rốt cuộc cũng đã được thẩm tra đầy đủ bằng chính lời khai của đối tượng. “Đối với những bị cáo như vậy, nếu áp dụng xét hỏi thông thường và không có sự nhẫn nại thì chắc chắn người “cầm cân” sẽ chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ” - thẩm phán Hùng bộc bạch. Và đây thực sự là một kinh nghiệm quý báu sau hàng chục năm gắn bó trong ngành tòa án của anh.

 Tại chốn pháp đình đôi lúc còn xảy ra cả những chuyện thật “nực cười”, bị cáo quát tháo thẩm phán như thể đang ở ngoài đường, ngoài chợ. Sự trái khoáy, ngược đời ấy vốn có căn nguyên của nó. Đấy chính là một số trường hợp bị cáo có “ô dù to” đứng đằng sau nên mới  “gan bằng trời” như thế… Tiếp tục những “khúc mắc” thường ngày của những vị quan tòa, thẩm phán Hùng tâm sự: “Phàm đã ngồi vào ghế chủ tọa thì kiểu gì cũng sẽ phải nhận những lời lẽ đe dọa. Đơn giản chỉ vì ai đó liên quan đến vụ án hoặc bị cáo, bị hại không hài lòng về phán quyết của tòa. Trong bối cảnh tội phạm có tính tổ chức, ổ nhóm như hiện nay thì mỗi thẩm phán càng khó lòng tránh được sự đe dọa, uy hiếp tinh thần”. Biết “cái vạ” của nghề nghiệp như thế, vậy nhưng những thẩm phán như anh Hùng chẳng khi nào nao núng. Có chăng điều đó chỉ làm cho các anh thêm cẩn trọng và cảnh giác hơn với tội phạm. Với tâm niệm chỉ sợ làm oan sai người vô tội chứ không sợ những kẻ xấu nên kể từ ngày được “gác” tòa án đến nay, chưa khi nào những người như anh Hùng chùn tay trước cái ác.