Không có chuyện tòa án "cấm cửa" người dân

ANTĐ - Gần đây, một số ý kiến lan truyền cho rằng Tòa án Hà Nội không cho người dân vào dự và theo dõi các phiên tòa công khai. Trên thực tế, lý do duy nhất khiến nhiều người không thể tham dự một số phiên tòa chỉ bởi sự quá tải.    

Không có chuyện tòa án "cấm cửa" người dân ảnh 1Phòng xử án nhỏ hẹp nên nhiều người đến tòa  phải ngồi hành lang 

Không thể đáp ứng hết nhu cầu

Có mặt ở TAND TP Hà Nội mới đây, anh La Văn T (SN 1975, ở huyện Sóc Sơn) cho biết, anh là họ hàng gần gũi với bị cáo La Văn Đệ (SN 1992, trú tại xã Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội) bị truy tố về tội “Giết người”. Hay tin người em họ được tòa án đưa ra xét xử công khai, anh và gần chục người họ hàng, thân thích của bị cáo đến Tòa án Hà Nội từ rất sớm để theo dõi phiên tòa. Ngay khi phiên xét xử khai mạc, anh T và những người cùng đến dự tòa đều được bảo vệ Tòa án Hà Nội cho vào bên trong. Tuy nhiên, điều mà anh T khá bất ngờ là hội trường xử án gần như đã chật kín. Vì thế, anh cùng mấy người họ hàng bị cáo đành ngồi ở hành lang phòng xử án theo dõi.

Tương tự, ngày 8-4 vừa qua, TAND TP Hà Nội cũng đã xử sơ thẩm đối với Triệu Thị Trần Băng (SN 1968, trú ở phường Định Công, quận Hoàng Mai) cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại của cặp đôi lừa đảo này là hơn 80 người, đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Thế nên, cho dù được vào tòa từ rất sớm nhưng một số người thân thích, bạn bè của các bị cáo vẫn buộc phải theo dõi phiên tòa từ các cửa phòng xử án bởi toàn bộ chỗ ngồi và không gian hội trường đều phải dành hết cho hàng chục bị hại cùng những người liên quan. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đó không phải là những trường hợp cá biệt tại TAND TP Hà Nội, khi người dân muốn tham dự những phiên tòa công khai nhưng lại không thể vào tận bên trong phòng xử án. Trái lại, đây vốn là thực trạng tồn tại từ khá lâu nay ở Tòa án Hà Nội. 

Lý giải về việc này, ông Trương Việt Toàn - Phó chánh Tòa Hình sự (TAND TP Hà Nội) cho biết, hiện các phòng xử án của Tòa án Hà Nội khá nhỏ hẹp. Trung bình mỗi phòng xét xử chỉ đáp ứng được gần 30 chỗ ngồi, kể cả khu vực của những người tiến hành tố tụng, các luật sư, người phiên dịch và giám định viên.

Theo nhẩm tính của vị Phó chánh Tòa Hình sự, thông thường một ngày Tòa án Hà Nội xét xử tới cả chục vụ án (dân sự, hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động), trong khi mỗi phòng xử án chỉ cần có 20 người dự tòa thì số lượng người thường xuyên có mặt tại tòa án đã lên đến hàng trăm người. Đề cập về tính công khai, minh bạch của một phiên xét xử theo luật định, Phó chánh Tòa Hình sự Trương Việt Toàn khẳng định: “Về nguyên tắc, mọi người đều có quyền tham dự những phiên tòa công khai, nhưng xuất phát từ thực tế cơ sở vật chất nên Tòa án Hà Nội không thể đáp ứng hết nhu cầu của mọi người dân”. 

Tòa án là nơi tôn nghiêm

Nhớ lại thời kỳ trước đây, Phó chánh Tòa Hình sự  Trương Việt Toàn cho biết, do không quản lý tốt việc ra vào tòa án nên Tòa án Hà Nội từng bị dư luận phàn nàn rất nhiều. 

Nói rõ hơn về yêu cầu bảo đảm ANTT tại mỗi phiên xét xử, ông Toàn phân tích, ngay cả trong trường hợp cơ sở vật chất hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chỗ ngồi thì không phải ai cũng được vào tòa dự xử án. Một trong những yêu cầu của hoạt động xét xử là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người dự tòa, đặc biệt là nhân chứng và những người liên quan. Mà muốn đảm bảo việc này thì công tác ANTT phải kiểm soát chặt chẽ, từ đó, mới loại bỏ được mọi vật cấm như chất cháy, nổ, vũ khí… Thế nhưng, Tòa án Hà Nội hiện chưa có trang thiết bị, phương tiện hiện đại và được bố trí lực lượng chuyên trách.

Nhìn nhận về công tác quản lý người đến tham dự phiên tòa tại Tòa án Hà Nội hiện nay, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng sự chặt chẽ và đúng pháp luật là vô cùng cần thiết. Bởi ở chừng mực nào đó, người dự phiên xử có ảnh hưởng khá lớn đến kết quả phiên xử. Thực tế cho thấy, không ít nhân chứng hoặc những người liên quan và đôi khi cả bị hại trong một số vụ thường thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra khi bị thẩm vấn công khai tại phiên xử. Đơn giản là vì họ luôn có tâm lý lo lắng, sợ hãi trước áp lực “vô hình” hoặc những lời đe dọa của số đông người thân, bạn bè bị cáo. Về phần mình, luật sư Nguyễn Quang Tiến cho biết, bản thân ông cũng từng không ít lần bị xúc phạm và đe dọa từ những người tới dự tòa trong một số phiên xử phức tạp.

Rơi vào tình huống tương tự, nhà báo Ngọc Lương - Báo Nông thôn Ngày nay cho biết, anh cũng từng bị một số đối tượng “giang hồ” xông vào giằng co và đòi đập nát máy ảnh khi tác nghiệp tại Tòa án Hà Nội. Lần đó, nhà báo này phải rất vất vả và phải nhờ tới sự “hộ tống” của lực lượng công an mới thoát khỏi đám đông ở tòa án. Cũng chính vì thế mà theo nhà báo Ngọc Lương: “Tòa án cần phải kiểm soát thật tốt công tác ANTT để tất cả mọi người đến tòa đều không phải nơm nớp lo lắng”.