Hy sinh vì đất nước, vì sự bình yên của nhân dân

ANTĐ - Hà Nội bước vào những ngày tháng 9 lịch sử trong sắc thu dịu dàng. Trên khắp những con đường của thành phố tràn ngập không khí rộn ràng, náo nức chào đón 70 năm ngày Quốc khánh. Chúng tôi tìm đến căn nhà số 170 Đội Cấn nơi có một gia đình hết sức đặc biệt, với những thế hệ đã từng sống, gắn bó với lực lượng Công an Thủ đô và đã hy sinh vì đất nước, vì sự bình yên của nhân dân. Đó là một gia đình giàu truyền thống cách mạng của thế hệ 2 liệt sỹ công an TP Hà Nội.
Hy sinh vì đất nước, vì sự bình yên của nhân dân ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đến thăm hỏi và tặng quà gia đình liệt sỹ Nguyễn Tài Lạc và liệt sỹ Nguyễn Tài Hải 

Những ký ức về người cha liệt sỹ

Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ giản dị với đầy ắp những kỷ vật về truyền thống gia đình, ông Nguyễn Tài Đức không giấu nổi sự xúc động mỗi khi nhắc về người cha và em trai của mình. Hai người thân yêu của ông đều là những chiến sỹ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, một người đã hy sinh trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, đóng góp xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc, còn một người đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của người dân Thủ đô. Sự tiếp nối truyền thống cách mạng của hai thế hệ trong gia đình là điều khiến cho ông luôn cảm thấy tự hào.

Ông Đức năm nay đã ngoài 60 tuổi, những ký ức của ông về người cha - Liệt sỹ Công an nhân dân Nguyễn Tài Lạc chỉ là qua những lời kể của mẹ và của những người đồng đội đã cùng một thời chiến đấu với cha ông. Liệt sỹ Nguyễn Tài Lạc sinh năm 1928, tại làng Vạn Phúc, Ba Đình - Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, liệt sỹ Nguyễn Tài Lạc đã tích cực tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên cứu quốc. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ cuối năm 1946, ông tham gia chiến đấu trong hàng ngũ tự vệ cùng các đơn vị chủ lực của ta, trong suốt 60 ngày đêm khói lửa, bảo vệ từng góc phố, ngôi nhà của Thủ đô.

Khi rút ra ngoài hậu phương được ít lâu, ông Nguyễn Tài Lạc lúc đó được lãnh đạo công an quận 6, Hà Nội giao nhiệm vụ về vùng địch tạm chiếm để làm nhiệm vụ điệp báo phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Để làm nhiệm vụ này, ông xin vào làm Tòa báo Thời sự, tại 90 phố Quán Thánh. Hàng ngày ông đạp xe đi khắp phố phường Hà Nội, vào các công sở, các nhà quan chức tề ngụy… để phát hành báo, qua đó để thu thập thông tin, nắm tình hình địch, viết báo cáo chuyển ra ngoài hậu phương. Ông còn bí mật chuyển thư, tài liệu từ hậu phương cho các tri thức thân kháng chiến. Một nhiệm vụ khác của ông được giao cho lúc đó là phát triển tổ chức, kết nạp thêm những thanh niên  nhiệt tình cách mạng sẵn sàng xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc.

Một trong những chiến công vang dội của liệt sỹ Nguyễn Tài Lạc thời gian này đó là cùng với đồng đội tổ chức bí mật phục kích giết được tên Trương Đình Chi, một tên Việt gian khét tiếng giữ chức Thủ hiến Bắc Việt do thực dân Pháp dựng lên vào tháng 10-1947. Sau vụ ám sát đó, ông bị mật thám Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Dù bị tra tấn dã man nhưng do không lấy được lời khai của ông và cũng không có chứng cứ nên chúng buộc phải thả ông. Ra tù ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng rồi được điều ra hậu phương để trau dồi, học tập nghiệp vụ công an trong 3 tháng, sau đó ông lại trở về Hà Nội hoạt động trong nội thành. Vỏ bọc của ông trong thời kỳ đó là làm thư ký sở La Pho (Vườn ươm cây hoa của người chủ Pháp tên là La Pho).

Hàng ngày vừa đi làm ông vừa chuẩn bị các tài liệu được viết bằng mực hóa học trên giấy pơ luya, cất giấu trong các lỗ gạch, khe tường được ngụy trang cẩn thận rồi sau đó bí mật chuyển ra hậu phương. Công việc của  ông khi đó hết sức nguy hiểm và thường xuyên bị mật thám Pháp ngày đêm theo dõi… 

Nhắc về người cha liệt sỹ của mình, ông Nguyễn Tài Đức vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm được mẹ kể lại, đó là một buổi sáng tháng 10 năm 1949, lúc ấy mẹ ông mới sinh ông được 3 ngày thì bọn hiến binh Pháp ập tới vây bắt cha ông tại nhà riêng ở phố Sơn Tây. Sau những tháng ngày giam cầm tra tấn dã man, chiến sỹ công an Nguyễn Tài Lạc vẫn một lòng kiên trung bất khuất, giặc Pháp không có chứng cứ nên lại phải tạm tha. Những người đồng đội của ông sau này kể lại rằng sau những lần bị địch bắt rồi thả nhiều đồng đội khuyên ông tạm lánh ra vùng tự do, nhưng ông đều trả lời: Tôi không thể đi như thế được. Tôi còn sống thì luôn ngẩng cao đầu, nếu có hy sinh cũng là chết vì nền độc lập của Tổ quốc. Tới đầu năm 1952, bọn mật thám lại một lần nữa bắt ông.

Lần này chúng tiếp tục dùng những đòn tra tấn vô hiểm ác nhưng vẫn không thể nào khuất phục được tinh thần của ông. Cuối cùng biết không còn cách gì có thể khai thác được ông chúng đã đem ông đi thủ tiêu… Nhắc tới đây, ông Đức nghẹn ngào, xúc động: “Tháng 11 năm 1958, gia đình tôi đã nhận được tấm bằng Tổ quốc Ghi công và cha tôi được công nhận là liệt sỹ, nhưng cho đến nay gia đình tôi vẫn không biết được phần mộ nơi địch chôn ông, thậm chí ngày ông hy sinh cũng không được biết rõ, gia đình tôi lấy ngày ông bị giặc bắt lần cuối làm ngày giỗ của ông”.

Nối tiếp truyền thống gia đình

Ngày liệt sỹ Nguyễn Tài Lạc hy sinh, khi đó em trai của ông Đức là liệt sỹ Nguyễn Tài Hải vẫn còn đang ở trong bụng mẹ. Sau này, một mình bà đã tần tảo nuôi 2 anh em ông khôn lớn. Ông Đức kể, mẹ ông thương  người em út Nguyễn Tài Hải từ bé sinh ra đã không biết mặt cha nên thường dành cho anh những tình cảm đặc biệt. Chính vì vậy mà sau này khi Nguyễn Tài Hải vào công an rồi bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, mẹ ông đã đau đớn khôn nguôi, suốt 2 năm liền bà  ốm liệt giường lúc tỉnh, lúc mê. Hai anh em ông lớn lên dù thiếu vắng tình cảm, hình bóng của người cha nhưng vẫn luôn bảo ban nhau khôn lớn. Trong trí nhớ của ông Đức khi đó liệt sỹ Nguyễn Tài Hải là một người hết sức có trách nhiệm với công việc và gia đình.

Ngày đó, hoàn cảnh của gia đình ông rất khó khăn, tuy được gia đình tạo điều kiện để ăn học nhưng nhưng từ lúc nhỏ anh Hải đã đi gánh rau, gánh nước thuê, những ngày nghỉ hè anh còn thường đi làm phụ thợ nề để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Một kỷ niệm về liệt sỹ Nguyễn Tài Hải mà ông Nguyễn Tài Đức vẫn còn nhớ mãi đó là khi liệt sỹ Nguyên Tài Hải đang học lớp 10, trong lớp có một bạn lợi dụng sơ hở đã lấy cắp 300 đồng của quỹ trường khiến nội bộ lớp nghi ngờ nhau, gây mất đoàn kết. Anh Nguyễn Tài Hải sau đó đã báo cáo với thầy chủ nhiệm cách giải quyết. Được thầy đồng ý, Nguyễn Tài Hải đã tìm thấy số tiền bị mất. 

Ông Đức kể, sau khi tốt nghiệp loại giỏi ở trường đào tạo Công an, năm 1971 anh Nguyễn Tài Hải được phân công về cảnh sát bảo vệ tại công tại Công an khu phố Hoàn Kiếm (nay là Công an quận Hoàn Kiếm). Năm 1972 anh được bố trí về làm Cảnh sát khu vực ở đồn 18 (nay là công an phường Chương Dương). Trên địa bàn anh Hải phụ trách ở thời điểm đó có một số em nhỏ hư hỏng thường trộm cắp, người Cảnh sát khu vực Nguyễn Tài Hải đã giành nhiều thời gian để nghiên cứu, đề xuất các biện pháp để xây dựng phong trào giáo dục thanh thiếu niên hư và đã giúp cho nhiều em nhỏ thoát khỏi con đường phạm tội. Phong trào này sau đó đã được đồng chí Bí thư thành ủy khi đó là Lê Văn Lương tới thăm, động viên khen ngợi và còn được Quốc Hội tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Ngày đó, ở khu vực anh Hải phụ trách có nhiều cơ quan, xí nghiệp, HTX thủ công thường xuyên xảy ra hiện tượng mất trộm, mất cắp, anh Nguyễn Tài Hải đã chủ động đề xuất biện pháp bảo vệ và có kế hoạch vận động nhân dân xung quanh cùng tham gia bảo vệ, nhờ đó tình hình ăn cắp và chứa chấp, tiêu thụ tài sản Nhà nước bị đánh cắp đã giảm hẳn. Nhiều đối tượng được anh gặp gỡ trực tiếp để thuyết phục, góp ý đã nhận ra lẽ phải và sau đó tiến bộ. Năm 1981 anh Nguyễn Tài Hải được đề bạt vào vị trí Phó trưởng Công an phường Chương Dương. Là Phó trưởng Công an phường nhưng anh vẫn kiêm nhiệm tổ trưởng tổ cảnh sát khu vực và trực tiếp phụ trách địa bàn cũ, nơi anh đã dành được nhiều tình cảm tốt đẹp của nhân dân. 

Đúng vào khi những dự định, những kế hoạch trong công việc của anh Nguyễn Tài Hải còn đang dang dở thì anh bất ngờ hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ. Ông Đức bảo sau này được nghe những người đồng đội của anh kể lại thì khi ấy anh Hải đã hy sinh để đảm bảo an toàn cho đồng đội. Đó là sẩm tối một ngày tháng 6 năm 1981, khi anh Nguyễn Tài Hải đang làm nhiệm vụ trực ban chỉ huy Công an phường thì nhận được báo cáo của một chiến sỹ cảnh sát bảo vệ về trường hợp cất giấu gỗ ăn cắp và đang có hành động phi tang của đối tượng Đàm Văn Thuận ở số nhà 7C phố Cầu Đất.

Thuận là một tay anh chị từ thời Pháp thuộc sống bằng nghề trộm cắp. Do tính côn đồ, hung hãn nên Thuận từng bị đàn em “xử”, đánh què một chân. Hàng ngày Thuận sống bằng việc trộm cắp tiêu thụ gỗ và các tài sản khác ở các xí nghiệp ven sông Hồng.

Ngay khi nhận được tin, anh Hải cùng 3 chiến sĩ cảnh sát đã tới tận nhà Thuận để xem xét sự việc. Trong khi anh cùng đồng đội đang nói chuyện thuyết phục và yêu cầu đối tượng về trụ sở công an phường để giải quyết thì bất ngờ căn nhà bị mất điện. Lợi dụng tình hình này, đối tượng Thuận bất ngờ dùng dao lao vào tấn công tổ công tác. Nhận thấy đồng đội mình đang bị nguy hiểm, Trung úy Nguyễn Tài Hải đã lao tới khống chế đối tượng và bị đối tượng Thuận đâm vào ngực phải. 

Trong thời gian 16 ngày cấp cứu tại bệnh viện Quân y 108, biết tin đồng chí Hải bị thương nhiều cán bộ, công nhân trên địa bàn nơi anh Hải công tác đã đến tình nguyện hiến máu cho anh. Trong những người ấy có cả những người từng vi phạm pháp luật, được đồng chí Hải giúp đỡ đã có công ăn việc làm ổn định. Ông Đức vẫn còn nhớ mãi những tình cảm mà người dân đã dành cho người Phó công an phường bấy giờ.

Ông nghẹn ngào kể, “16 ngày Hải nằm viện cấp cứu là từng đấy ngày không ngớt người dân đến thăm hỏi, chăm sóc, động viên Hải. Cứ mỗi lần tỉnh dậy, Hải lại nén cơn đau nói chuyện với tôi, hỏi thăm về tình hình đồng đội. Nó bảo vẫn trăn trở với công việc, mong muốn nhanh được bình phục để lại được về phục vụ nhân dân. Sau khi Hải hy sinh, điều đau đớn nhất với gia đình tôi là đứa con của Hải lại giống như cha mình, được sinh ra đời mà chưa một lần được nhìn thấy mặt cha”.

Ông Đức tâm sự, hơn 30 năm sau ngày liệt sỹ Nguyễn Tài Hải hy sinh, điều khiến ông xúc động và tự hào nhất là những tình cảm, sự quan tâm mà lực lượng Công an trong đó có Công an TP Hà Nội đã dành cho gia đình ông. Đó chính là sự tri ân của đồng đội với những người đã góp phần vào truyền thống lịch sử của ngành Công an cũng như của đất nước.