“Công thức” giữ bình yên: Từ nhận thức đến việc làm cụ thể

ANTĐ - Không thiếu những mô hình, cách làm hay trong phòng ngừa, đảm bảo bình yên ở địa bàn giáp ranh. “Công thức” của sự bình yên cho địa bàn giáp ranh không quá xa, quá khó; nó bắt nguồn và chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất từ yếu tố con người, thông qua nhận thức và việc làm cụ thể.

Các lực lượng CAH Phú Xuyên tuần tra địa bàn ven sông Hồng, giáp ranh với tỉnh Hà Nam

Phối kết hợp: sự lựa chọn duy nhất!

Tuyến sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Phú Xuyên, Hà Nội, trước năm 2013 thường xuyên “nóng” bởi tình trạng khai thác cát trái phép. Khó khăn về lực lượng, phương tiện là yếu tố khách quan. Yếu tố chủ quan được nhìn nhận là do thiếu cơ chế phối hợp, xử lý. Khi lực lượng chức năng huyện Phú Xuyên làm mạnh, cát tặc chạy xuống Thường Tín hoặc vượt sang đất Duy Tiên (Hà Nam), Kim Động, Khoái Châu (Hưng Yên). Nhiều trường hợp, tàu cát đỗ bên đất bạn rồi thò vòi sang Phú Xuyên hút trộm cát. Một vài lần Phú Xuyên chủ động đề nghị lãnh đạo địa bàn giáp ranh phối hợp ra quân đẩy đuổi, xử lý. Nạn hút trộm cát im ắng được một thời gian.

Nhờ động thái này, chỉ huy CAH Phú Xuyên đã nhìn nhận ra vấn đề: giải quyết triệt để nạn hút trộm cát trên sông Hồng nói riêng chỉ có thể bằng quy chế phối hợp với Kim Đông và Duy Tiên. Nếu xử lý tốt cát tặc, quy chế này sẽ nhân rộng các lĩnh vực khác trên mặt trận giữ gìn ANTT. Trung tuần tháng 9, tại trụ sở huyện Phú Xuyên, sau rất nhiều năm, lần đầu hội nghị triển khai thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động đảm bảo ANTT giữa CAH Phú Xuyên với CAH Duy Tiên và CAH Kim Động, Khoái Châu, đã được tổ chức. Quy chế nêu rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc đảm bảo ANTT tại khu vực giáp ranh trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc 4 huyện. Một kết quả bước đầu phản ánh hiệu quả phối hợp, là “nạn” hút trộm cát trên sông Hồng ở vùng giáp ranh giảm mạnh.

“Chợ rau đêm Ngã Tư Sở”, một trong những địa chỉ quen thuộc của những người thu gom nông sản, thực phẩm đầu mối, và cả những người bán lẻ. Chợ hình thành tự phát đã hàng chục năm, từ cổng chợ Ngã Tư Sở xuôi về hướng quận Thanh Xuân, chiều dài đến vài trăm mét. Những ngày cuối tháng 10 này, chợ rau đêm Ngã Tư Sở đã không còn tồn tại. 

Trách nhiệm chính giải quyết chợ rau đêm Ngã Tư Sở thuộc về ai? Địa giới hành chính của chợ hoàn toàn nằm trên địa bàn quận Đống Đa, và một ít bên đất Thanh Xuân. Nhưng nhiều tháng trước khi “xóa” chợ, lộn xộn vẫn không được giải quyết. Hỏi Đống Đa, Đống Đa “đổ” lỗi giáp ranh Thanh Xuân; tra vấn Thanh Xuân, Thanh Xuân thẳng thắn: “Chợ bên Đống Đa là chính, Thanh Xuân đâu có được “hưởng” gì”. Cứ đùn đi, đẩy lại mãi, cấp có thẩm quyền quyết định: trách nhiệm chính thuộc về Đống Đa, và đề nghị Thanh Xuân phối hợp. Hạn định “xóa” khu chợ tự phát cũng được thống nhất. Rồi cũng làm được, sau 1 tháng quyết liệt triển khai các biện pháp. Đi trên cầu vượt Ngã Tư Sở những ngày này, sẽ thấy sự thông thoáng đầu giờ sáng, chợt nghĩ: sao phương án tốt mà mãi bây giờ mới thực hiện được?

Căn nguyên sự phức tạp

Ở đâu công tác quản lý lỏng lẻo, vai trò, trách nhiệm của cán bộ - lực lượng chức năng yếu, nơi đó có vi phạm, tội phạm, tệ nạn xã hội hình thành! Đây là thực tế đúc rút từ những địa bàn giáp ranh còn đang tồn tại sự phức tạp. 

Cùng trên địa bàn huyện Gia Lâm, nếu như cụm liên kết Văn Giang - Gia Lâm phát huy hiệu quả với bề dày hoạt động, thì vẫn có những địa bàn giáp ranh chưa xây dựng được mô hình liên kết, hoặc có, nhưng hoạt động rất cầm chừng. Chúng tôi về tìm hiểu địa bàn giáp ranh tỉnh Bắc Ninh, gặp đại diện một xã trong cụm giáp ranh và hỏi ai là cụm trưởng, chỉ nhận được cái lắc đầu. Lại hỏi: thế mấy tháng cụm giáp ranh họp một lần, theo quy định là 6 tháng, nhưng khi xin báo cáo sơ kết 6 tháng của năm 2013, một thông tin được “phát hiện”: riêng 6 tháng đầu năm, cụm liên kết chưa họp! 

Thượng tá An Thanh Bình - Trưởng CAH Gia Lâm trăn trở: “Có trường hợp những mong muốn, dự định tốt đẹp liên kết ANTT được đưa ra, nhưng bên giáp ranh lại không mặn mà. Lại có trường hợp, quy chế phối hợp đã ký, nhưng việc thực hiện sớm rơi vào hình thức”; đồng thời cho biết, chỉ huy CAH đang cho tiến hành rà soát toàn bộ các địa bàn giáp ranh, xây dựng, củng cố mô hình liên kết. Trước tiên, xác định rõ và thực hiện tốt trách nhiệm của địa bàn xã, thị trấn thuộc huyện. Quá trình thực hiện liên kết, nếu vướng mắc chỗ nào, sẽ kiến nghị lãnh đạo địa bàn giáp ranh phối hợp để chấn chỉnh.

Những tồn tại, phức tạp ở địa bàn giáp ranh, xét cho cùng, hình thành đều do tâm lý đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bên cạnh sự chủ động phối kết hợp của một số ít địa bàn, việc giải quyết phức tạp ở địa bàn giáp ranh vẫn hết sức thụ động, vẫn phải cần đến một mệnh lệnh mang tính ràng buộc trách nhiệm. Mệnh lệnh là cần thiết, nhưng quan trọng hơn phải là nhận thức, ý thức của người đứng đầu địa bàn; từ giữ vững địa bàn đến xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp với “hàng xóm”. Chỉ có nhận thức tốt, hiệu quả phối kết hợp mới có tính bền vững.