Chất vấn và trách nhiệm!

ANTĐ - Tuần qua, các phiên chất vấn của Quốc hội là sự kiện được đông đảo bạn đọc, cử tri cả nước quan tâm. Bao giờ cũng vậy, trong các kỳ họp Quốc hội thì các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các vị Tư lệnh ngành vẫn luôn được cử tri chờ đợi. Nhưng, hơn hẳn những kỳ họp khác, hơn 2 ngày chất vấn lần này được coi là phiên chất vấn “chưa từng có” trong lịch sử các các kỳ họp Quốc hội, thậm chí chưa từng có trên thế giới. 

Phương thức chất vấn đã có những đổi mới quan trọng, các đại biểu có thể chất vấn lại các vấn đề từ đầu nhiệm kỳ, chất vấn vị Tư lệnh “bất kỳ” theo từng nhóm vấn đề chứ không theo từng lĩnh vực quản lý liên quan đến các thành viên Chính phủ theo danh sách đã được lựa chọn trước đó. Đa phần các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ cách thức chất vấn mới vì cho rằng cách thức này sẽ thúc đẩy trách nhiệm của người đứng đầu.

Mặc dù còn một số phần trả lời chưa thực sự làm thỏa mãn sự kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội, thời gian dành cho các vị Bộ trưởng trả lời còn chưa nhiều, còn lẫn lộn giữa chất vấn và thảo luận… song kỳ chất vấn này, cũng được coi là kỳ chất vấn để lại nhiều ấn tượng với cử tri, đáp ứng phần nào lòng mong mỏi của cử tri. 

Cách thức điều hành các phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng được cử tri đánh giá cao bởi sự sắc sảo, linh hoạt, nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh. Chủ tịch Quốc hội đã hướng các vị Bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm, làm rõ trách nhiệm của các vị Bộ trưởng đối với những vấn đề tồn tại mà cử tri còn bức xúc.

 Phiên chất vấn kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã ghi nhận nhiều câu hỏi của các vị đại biểu tập trung vào hàng loạt các vấn đề “nóng”: lãng phí vẫn chưa được kiểm soát, chưa có người “đạp phanh”; việc xây trụ sở hoành tráng hàng nghìn tỷ đồng vẫn diễn ra; tham nhũng ngày càng tăng tốc cả về tần suất lẫn cường độ; rồi việc công khai minh bạch trong quy trình bổ nhiệm cán bộ… và cả những vấn đề sát sườn liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh như: thực phẩm bẩn tràn lan, chi phí bôi trơn sổ đỏ… Các vấn đề “nóng” đều được các vị Bộ trưởng trả lời, có nhiều vấn đề đã được truy đến cùng và các vị Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm, hoặc nhận một phần trách nhiệm. 

Song điều mà cử tri mong mỏi là các vị Bộ trưởng không chỉ nhận trách nhiệm rồi để đấy mà quan trọng là phải quyết tâm để giải quyết dứt điểm các chất vấn, giải quyết những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra bởi đó chính là tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Sau phiên chất vấn, Quốc hội cần có nghị quyết để theo dõi, giám sát việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Cần phải gắn chất vấn với trách nhiệm thì chất vấn mới thật sự có ý nghĩa. Còn nếu không, chất vấn cũng chỉ là lời hứa hẹn để đấy mà thôi!