Bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh là hoàn toàn đúng đắn

ANTĐ - “Hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng với những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, dã man, nhất thiết phải loại trừ người phạm tội khỏi đời sống. Điều này thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước ta”. Đó là quan điểm của Tiến sỹ Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp về việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi.

Cũng theo TS. Đỗ Đức Hồng Hà, tử hình là hình phạt đặc biệt, có nội dung cưỡng chế nghiêm khắc nhất nhằm tước bỏ quyền sống của người bị kết án. Khi áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội, Nhà nước đã loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của họ trong xã hội vì lợi ích chung của cả xã hội.

Tử hình không đặt ra mục đích cải tạo và giáo dục người bị kết án song vẫn có mục đích phòng ngừa riêng, loại bỏ khả năng phạm tội mới của người bị kết án. Đối với xã hội nói chung, án tử hình có tác dụng răn đe mạnh mẽ, ngăn ngừa tội phạm.

Bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh là hoàn toàn đúng đắn  ảnh 1

Hình phạt tử hình vẫn cần áp dụng cho những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, dã man, tàn bạo (Trong ảnh: Tòa tuyên án tử hình bị cáo Huỳnh Văn Tấn (Bến Tre) - kẻ nhẫn tâm giết vợ, mẹ vợ, anh vợ tháng 3-2015)

Từ thực tiễn xét xử cho thấy, tử hình chỉ được áp dụng trong trường hợp người phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội..., có ảnh hưởng rất xấu và bị dư luận xã hội kịch liệt lên án. 

Trên thế giới đã có gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ xoá bỏ hình phạt tử hình đối với tất cả các loại tội phạm. Những năm gần đây, ở nước ta đã có sự phân hóa thành 2 luồng quan điểm - quan điểm ủng hộ và phản đối việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình.

Những quan điểm ủng hộ cho rằng, việc giữ lại hình phạt tử hình còn cần thiết do yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đang diễn ra quyết liệt trên mọi lĩnh vực trong hoàn cảnh phức tạp của đất nước.

Trái với quan điểm này, không ít người lại cho rằng, tử hình là hình phạt trái với nội dung của nguyên tắc nhân đạo trong BLHS, quyền được sống của con người là một quyền tự nhiên có tính phổ biến, không ai có quyền tước bỏ, việc bãi bỏ hình phạt này là phù hợp với nguyên tắc nhân đạo nói chung.

Hiện nay, trong BLHS, hình phạt tử hình chỉ còn được quy định đối với một số nhóm tội. Ngoài việc quy định cụ thể các tội phạm mà Toà án có thể áp dụng hình phạt tử hình, BLHS còn hạn chế tối đa khả năng áp dụng hình phạt đó: Tử hình chỉ được áp dụng trong phạm vi những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Thậm chí, ngay cả khi có đủ điều kiện này thì tử hình cũng không phải là hình phạt duy nhất, mà là khả năng cuối cùng, khi Toà án xét xử thấy không thể áp dụng loại hình phạt khác. Pháp luật cũng nghiêm cấm áp dụng hình phạt này đối với những người phạm tội khi chưa thành niên hoặc phụ nữ có thai.

Từ những phân tích nêu trên, TS. Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, Dự thảo BLHS (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh là hoàn toàn đúng đắn. Hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng với những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, dã man, tàn bạo, nhất thiết phải loại trừ người phạm tội khỏi đời sống.

Do vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về hình phạt tử hình cần được tiến hành theo các hướng: Tiếp tục thu hẹp, hạn chế việc quy định hình phạt tử hình trong phần các tội phạm. Việc hạn chế, thu hẹp hình phạt tử hình thông qua quá trình phi hình sự hóa được thực hiện bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục, thi hành hình phạt tử hình một cách chặt chẽ, nghiêm khắc, đồng thời bổ sung quy định điều kiện hoãn thi hành hình phạt tử hình và việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù có thời hạn…