Ứng biến linh hoạt hơn

ANTĐ - Liên tiếp trong 3 ngày, Trung Quốc 3 lần phá giá Nhân dân tệ (NDT) với lần lượt 1,9% và 1,6% và 1,1%. Nhanh như điện, giá USD trên thị trường đã vọt lên gần đụng trần 22.100 đồng/USD. 

Giá vàng cũng  tăng thêm hàng triệu đồng/lượng. Riêng thị trường chứng khoán thì đỏ rực sàn, sụt giảm mạnh. Dù không hốt hoảng xấp ngửa chạy đi mua vàng, bán USD như những “cơn sốt” ngoại tệ mấy năm trước, song giới doanh nghiệp và người dân không khỏi lo lắng chờ đợi những quyết sách kịp thời, mạnh mẽ, hiệu quả từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Reuters, hàng loạt nghị sĩ Mỹ chỉ trích Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ” và cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ. Đáp trả “đòn” phá giá NDT của Trung Quốc, một loạt các quốc gia đang phụ thuộc rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã đồng loạt giảm mạnh đồng nội tệ xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua để hàng xuất khẩu đủ sức cạnh tranh.

Ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng đến tỷ giá, xuất khẩu của Việt Nam. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, nới rộng biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá, hoạt động xuất nhập trước các tác động bất lợi trên thị trường. Ghi nhận sự vào cuộc nhanh nhạy của Ngân hàng Nhà nước trước “cơn bão” phá giá NDT, song Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital VietNam cho rằng, Việt Nam thực chất chưa phá giá mà chỉ nâng biên độ dao động để giúp hàng xuất khẩu không mất sức cạnh tranh.

Một số chuyên gia tài chính cũng đồng tình nhận xét, việc nới rộng biên độ biến động tỷ giá nhằm bù trừ cho “cơn sóng thần” đến từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp lớn nhận định, dù điều chỉnh tỷ giá nhưng VND vẫn đang được định giá cao hơn so với USD và đồng tiền của các nước cạnh tranh xuất khẩu. Đương nhiên, cũng có một số doanh nghiệp “dễ thở” hơn, được hưởng lợi trước phản ứng kịp thời của Chính phủ.

Ứng phó trước “cơn bão” phá giá NDT, mà theo dự báo, Trung Quốc có thể còn “phá” đến 10%, giới chuyên gia tài chính khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần ứng biến linh hoạt hơn, không nên “neo cứng” biên độ tỷ giá. Thậm chí, có thể nới rộng hơn biên động tỷ giá lên 4% - 5%. Giữa sóng to gió lớn, chèo lái “con thuyền” tiền tệ quốc gia rất cần sự uyển chuyển, “dẻo tay” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Song cũng không thể phó mặc cho một mình ngành ngân hàng và doanh nghiệp chèo chống. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước khác cũng phải xắn tay cùng vào cuộc vượt qua thử thách cam go này.