Tự hại mình, ai cứu?

ANTĐ - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông sản chủ yếu như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều nhân, chè, rau quả, thủy sản… trong tháng 9 vừa qua giảm tới 16,5% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này trong tháng 9 năm 2015 cũng chỉ đạt 19,97 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ. Tình trạng “rổ” hàng nông sản xuất khẩu “co lại” được nhìn nhận là do giá xuất khẩu giảm. Song, khoản thua thiệt về giá chỉ là bề nổi, còn phần chìm lại nằm sâu ngay chính trong trang trại, đồng ruộng với thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cũng như uy tín nông sản Việt.

Tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở nông nghiệp với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc vừa diễn ra, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp để gắn chặt mối liên kết giữa 3 nhà: Nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đã có nhiều cuộc kết nối doanh nghiệp với nhau, nhiều hợp đồng được ký kết, nhưng không thực hiện được vì hàng hóa không đảm bảo chất lượng cam kết.

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi tiêu thụ hàng nông sản tại chợ truyền thống hoặc siêu thị. Nhiều trường hợp hàng ký kết rồi nhưng không đảm bảo chất lượng cam kết.

Chuyện lỏng lẻo trong mối dây kết nối này đã được bàn tới nhiều, trong đó “mỗi nhà” đều chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, phải lần trở lại đầu mối sợi dây này, tức là từ đầu ra nông sản. 

Phải truy tận gốc tình trạng nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm nhỏ lẻ vẫn “vô tư” sử dụng chất tạo nạc, kích thích tăng trưởng được bày bán gần như công khai ngoài thị trường mà các cơ quan quản lý dù có “ra quân” hàng ngày cũng khó ngăn chặn xuể.

Trong khi đó, các loại nông sản như rau củ quả cũng rơi vào ma trận sử dụng vô tội vạ các chất chín ép, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép. Có những cánh đồng, ruộng rau la liệt vỏ thuốc sau khi sử dụng. Điều đáng lo ngại là các loại thuốc này đều không có nguồn gốc, xuất xứ hoặc nếu có cũng chỉ là những dòng chữ tiếng Trung. Câu nói “Con sâu làm rầu nồi canh”’, có lẽ không còn hợp thời nữa, bởi tình trạng nhắm mắt vì lợi nhuận, làm ngơ trước sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng có chiều hướng gia tăng đến mức đáng báo động. 

Nhưng mất uy tín, mất niềm tin với người tiêu dùng nội địa chỉ là một phần. Đại diện siêu thị BigC, Phó Tổng giám đốc Hapro cũng như Giám đốc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) lên tiếng cảnh báo, hội nhập AEC, cạnh tranh sản xuất kinh doanh đã cận kề, doanh nghiệp Việt Nam cần thắt chặt mối liên kết, nhanh chóng đưa nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nguy cơ đánh mất thị phần, mất chỗ đứng ngay chính trên sân nhà là một thực tế không thể ngoảnh mặt, khi hàng hóa nông sản ASEAN sẽ tràn ngập.

Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn miếng thịt, con cá, lá rau, củ quả ngoại nhập vừa chất lượng vừa giá rẻ. Quan trọng nhất là không phải nơm nớp vừa ăn vừa lo thực phẩm ẩn chứa chất độc hại. Người tiêu dùng phải tự cứu mình, còn người sản xuất không có lương tâm, tự hại mình, ai cứu?