Tránh gây "sốc" giá

ANTĐ - Tại hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” vừa diễn ra, nhiều chuyên gia dự báo chỉ số giá tiêu dùng cuối năm có xu hướng tăng cao, giá dịch vụ và giáo dục trong nước tiếp tục tăng theo lộ trình. Dự báo 6 tháng cuối năm và cả năm 2016 nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sẽ khó đạt.

GIá cả nói chung và CPI nói riêng chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố cung cầu hàng hóa, hệ thống phân phối, chi phí sản xuất kinh doanh. Trên thị trường 6 tháng qua, những hàng hóa có chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bán trong những siêu thị, trung tâm thương mại thường có giá cao hơn sản phẩm tương tự ngoài thị trường tự do.

Tuy nhiên, kênh thương mại hiện đại này chỉ đảm bảo 20-30% doanh số bán lẻ, phục vụ chủ yếu cho người thu nhập trung bình khá trở lên, còn lại trên 70% các đối tượng thu nhập thấp thường mua ở chợ truyền thống. Trong hệ thống phân phối, dù các nhà bán lẻ cam kết không bán chênh giá nhưng thực tế giá của nhiều mặt hàng vẫn cao một cách vô lý. Mặt khác, do chi phí sản xuất kinh doanh, thu phí đường bộ bất hợp lý cũng dẫn tới chi phí vận chuyển lương thực, thực phẩm bị nâng lên cao.

Rõ ràng CPI đang phải “cõng” thêm gánh nặng phí thuế không đáng có vào giá thành. Giới chuyên gia lo ngại giá cả 6 tháng cuối năm sẽ gia tăng áp lực tăng giá bao gồm giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu. Để nâng cao tính chủ động, một số chuyên gia “hiến kế” việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục cần linh hoạt lựa chọn thời điểm và mức độ. Cần nghiên cứu có thể tăng giá dịch vụ giáo dục 1 lần vào tháng 9-2016, mức tăng khoảng 10%. Còn việc tăng giá dịch vụ y tế, nên cân nhắc thận trọng hơn sau khi đã tăng sốc hồi tháng 3-2016.

Phương án tăng giá dịch vụ y tế (nếu có thể) nên thực hiện vào tháng 11-2016, sau khi đã có diễn biến CPI 10 tháng. Nếu CPI chỉ tăng khoảng 4% so với cuối năm 2015, thì có thể tăng giá dịch vụ y tế khoảng 7%. Ngược lại nếu CPI trên 4% thì không nên tiếp tục tăng giá nửa cuối năm 2016. Nói tóm lại, sử dụng công cụ giảm giá đòi hỏi sự thận trọng, khoa học, bài bản, đặc biệt còn chú trọng tới yếu tố tâm lý, tránh gây “sốc” giá cho xã hội.