Tiết kiệm từng đồng

ANTĐ - Lo lắng về tình trạng mất cân đối ngân sách Nhà nước, thu không đủ chi, muốn tăng lương mà không biết xoay xở, lấy tiền đâu ra, nhiều đại biểu Quốc hội kêu gọi thắt chặt chi tiêu công khi thảo luận về tình hình ngân sách Nhà nước, dự toán năm 2016. 

Có đại biểu nhấn mạnh, chúng ta nên tự giác tiết kiệm chi tiêu trước khi bị buộc phải "thắt lưng, buộc bụng" theo yêu cầu của các định chế tài chính nước ngoài. Chưa đợi đến lúc đó, cử tri và nhân dân cả nước từ lâu rất bức xúc về thực trạng còn lãng phí trong sử dụng xe công, xây trụ sở hoành tráng.

Ngân sách Nhà nước đã mất cân đối kéo dài, liên tục nhiều năm luôn ở mức trên 5%. Trong 3 năm qua, do ngân sách khó khăn nên Nhà nước chưa thể điều chỉnh mức lương cơ sở, khiến đời sống cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã họp với các bộ, ngành và thống nhất trình Quốc hội xem xét thông qua phương án tăng 5% lương cơ sở từ ngày 1-5-2016. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lương cơ sở chỉ tăng 60.000 đồng là thấp và cũng chỉ cải thiện một phần đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. 

Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, Chính phủ đã nỗ lực dành ra 11.000 tỷ đồng để tăng lương. Số tiền “tằn tiện”  mới có được này “ngẫu nhiên” xấp xỉ với khoản tiền mà Nhà nước phải “rút két” để “nuôi” hàng chục nghìn xe công trên khắp cả nước mỗi năm. Góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, các đại biểu chỉ rõ, nếu vẫn giữ cung cách quản lý xe công như hiện nay là hết sức lãng phí. Vì thế, trong năm tới cần triệt để tiết kiệm mua sắm xe công và đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán xe công. Quốc hội giao Chính phủ rà soát lại cơ chế, phương thức, cách làm, đối tượng khoán xe công. 

Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, chỉ từ bộ trưởng trở lên mới được cấp xe công. Từ chức danh thứ trưởng trở lên mới được phép sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Tuy nhiên, nếu trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe mà tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công, thì mức khoán sẽ được xác định theo từng tháng. Đơn cử, một Phó Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội đã thực hiện hình thức khoán xe công, nhận 120 triệu đồng/năm, so với chi phí dùng xe công  là 320 triệu đồng/năm, rõ ràng là đã tiết kiệm cho dân, cho nước một khoản tiền không nhỏ.

Nước ta chưa giàu, dân còn nghèo cho nên càng cần phải tiết kiệm từng đồng. Theo tính toán, nếu thực hiện khoán xe công, mỗi năm ngân sách Nhà nước có thể tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng. Có lợi cho dân, cho nước như vậy thì càng phải ráo riết làm cho bằng được.