Tiền chảy đúng chỗ

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng trên toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 2 vừa qua tăng trưởng âm 1,66%. Dự báo trong tháng 3 này, tín dụng có thể sẽ nhích lên chút ít nhưng chưa thể khởi sắc. Mấy tháng đầu năm, các ngân hàng vẫn phải trông chờ nhiều vào nguồn thu nhập từ đầu tư trái phiếu Chính phủ, tín phiếu và mảng dịch vụ. Vấn đề thừa vốn, bí đầu ra buộc các ngân hàng phải dốc vốn vào mua trái phiếu để giảm áp lực trả lãi vay cho người gửi tiền, được các chuyên gia nhận định là vẫn bế tắc lối thoát cho tín dụng.

Tính chung hai tháng đầu năm, hơn 35.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã được huy động thành công. So với kế hoạch huy động 100.000 tỷ đồng trong năm 2014, đây là một thành công đáng mừng, khi hầu hết các ngân hàng lớn đều tham gia đấu thầu trái phiếu. Hơn thế, nhiều ngân hàng còn ráo riết “săn tìm” trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm áp lực vốn thừa nhưng cho vay được ít. Kết quả kinh doanh năm 2013 của các ngân hàng cho thấy, đầu tư trái phiếu Chính phủ đã thu lãi hàng nghìn tỷ đồng nhờ việc chuyển “gánh nặng” trả lãi từ người gửi tiền sang… Chính phủ. Thu nhập từ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp đã giúp các ngân hàng đạt mức tăng trưởng 31-35% so với năm trước.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận xét, vốn huy động từ người dân vẫn tăng đều, nhưng cho vay gặp khó khăn. Các ngân hàng thường xuyên phải cạnh tranh khách hàng để cho vay. Vì thế, cho dù đầu tư vào trái phiếu mang lại lợi nhuận thấp hơn so với cho vay thương mại, song lại rất ổn định, nhất là rót tiền vào trái phiếu vừa an toàn, vừa không lo nợ xấu.

Vị tổng giám đốc này dự báo, trong năm nay, hình thức đầu tư bất khả kháng này có chiều hướng tái diễn. Dưới góc nhìn của một số chuyên gia tài chính, trong tình thế các ngân hàng thừa vốn, tín dụng tăng trưởng âm, việc đầu tư nhiều vào trái phiếu Chính phủ được coi là kênh phân tán rủi ro, ngân hàng bớt gánh nặng trả lãi suất. Tuy nhiên, khi dòng vốn chảy quá mạnh vào trái phiếu chứng tỏ nền kinh tế hấp thụ vốn quá yếu, thậm chí “khó tiêu”. Có nghĩa là, dòng không chảy vào những lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích. Đương nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều không mong muốn tiền ngân hàng đổ vào trái phiếu quá đầy, mà phải khơi nguồn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng, nâng cao trang thiết bị cũng như cho vay tiêu dùng. Trong khi lãi suất huy động giảm, ngân hàng đổ tiền mua trái phiếu để giảm áp lực tắc nghẽn cho vay cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Vụ trưởng Chính sách tiền tệ khẳng định, quy luật đầu năm thường là thời điểm các ngân hàng dồn tiền nhiều vào trái phiếu trong bối cảnh lượng tiền gửi dồi dào. Đây cũng là hiện tượng bình thường, không có gì đáng lo ngại.

Vấn đề đáng quan tâm là phải “lái” dòng tiền chảy đúng chỗ. Thực tế trong nhiều đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thành công, do chậm giải ngân, tiền trái phiếu “đi” vào kho bạc, rồi lại gửi ngược vào các ngân hàng thương mại. Tình trạng chậm giải ngân khiến Nhà nước vừa mất tiền trả lãi cho ngân hàng, vừa không đẩy nhanh tiến độ dự án.