Thứ hạng cao, liệu đã vui?

ANTĐ - Bảng “xếp hạng” các tỉnh, thành phố thông qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2016 thời điểm này vẫn chưa được công bố. Lâu nay, thứ hạng trong bảng biểu này vẫn được coi là thể hiện “bộ mặt” của các địa phương, cụ thể là khi tỷ lệ các sĩ tử vượt qua kỳ thi tú tài càng cao thì càng chứng tỏ công sức đầu tư giáo dục của địa phương đó càng mạnh. 

Những con số này cho thấy có gì chưa đúng ở đây song không được các nhà lãnh đạo, quản lý chỉ tên, nói rõ. Liệu có phép thuật gì khiến một vài tỉnh vốn vẫn bị đánh giá là “vùng trũng” của giáo dục cả nước qua một kỳ thi lại có thể vươn lên tốp đầu với tỷ lệ gần như 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT? 

Câu chuyện về những con số biết nói lại tiếp tục làm dậy sóng hậu kỳ thi THPT quốc gia 2016 khi các chuyên gia giáo dục độc lập đem ra mổ xẻ, phân tích kết quả thi năm nay. Đầu tiên là hiện tượng điểm Tiếng Anh quá thấp với gần 60.000 bài thi đạt 2,4 điểm.

Đáng nói hơn là “ngôi sao” của môn Tiếng Anh rơi vào tỉnh Bến Tre với mức điểm trung bình 4,8, cao nhất cả nước, vượt qua tất cả các thành phố lớn vốn đầu tư lớn cho môn này như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… “Ngôi vị” tiếp theo thuộc về Lào Cai, Lâm Đồng, Lai Châu. Bảng “xếp hạng” cho thấy, trong cuộc thi này, các tỉnh miền núi “toàn thắng” so với thành phố. Đề thi rõ ràng là khó thì khó chung, điều kiện học Tiếng Anh ở thành phố rõ ràng cũng khá hơn các tỉnh vùng núi, vùng sâu. Vậy phải xem lại tính nghiêm túc của các hội đồng thi. Chỉ có coi thi nơi chặt, nơi lỏng mới có thể dẫn đến kết quả bài thi phải vênh nhau đến mức khó tin như vậy. 

Cũng nói thêm, không chỉ ở môn Tiếng Anh mới có những tình huống không ngờ xảy ra. Tiếp tục các bảng “xếp hạng” khác của chuyên gia giáo dục còn cho thấy, năm nay, cụm thi do Hà Nội chủ trì có kết quả “ngoài trông đợi” khi đứng gần chót bảng trong danh sách các cụm thi có điểm thi trung bình từ cao xuống thấp. Còn xếp tổng thể kết quả thi, thí sinh Hà Nội về thứ 19 trên toàn quốc và thực tế nhiều năm nay, Hà Nội chưa bao giờ dẫn đầu về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong cả nước. Thế nhưng, nếu nói là dẫn đầu cũng chưa chắc đã vui thì xếp gần cuối bảng có phải là điều đáng buồn?