Thích... "ôm" về một mối

ANTĐ - Hầu như trên các báo lớn đều đồng loạt đưa lên trang nhất những dòng tít: “Mòn mỏi xem điểm thi”, “Nhọc nhằn tra điểm thi”, “Vất vả xem điểm thi”…

Đa số thí sinh và phụ huynh trên cả nước đều có chung tâm trạng lo âu, thấp thỏm, hồi hộp sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố ngày, giờ được tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh chật vật, dùng đủ mọi cách nhưng đến tận tối mịt mới biết kết quả, chưa kể kết quả phập phù mỗi lúc một khác. Vì sao diễn ra tình trạng không đáng có này?

Đúng như lời hẹn của đại diện Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể tra cứu điểm thi ở website của Bộ này và website của 20 tờ báo.

Theo Bộ GD-ĐT, dữ liệu kết quả thi do Bộ quản lý và chỉ duy nhất Bộ mới được công bố điểm thi trên các website của mình. Tuy nhiên, lo ngại tình trạng “ùn tắc” có thể xảy ra nên Bộ này đã chủ động cho mở thêm các trang web của 8 trường đại học. Thế nhưng sau khi phải mở rộng ra trang web của nhiều trường đại học, mạng vẫn nghẽn, kể cả với trang chủ lực của Bộ, thậm chí mạng còn bị tê liệt.

Dưới con mắt của nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, họ không thể hình dung nổi tại sao với khoảng 1 triệu thí sinh trong tâm trạng sốt ruột xem điểm thi mà Bộ GD-ĐT chỉ chuẩn bị hạ tầng cho tối đa 60.000 lượt truy cập cùng lúc.

Lẽ ra Bộ này phải chia nhỏ để “phân luồng” thí sinh vào mạng thì lại “ôm” về một mối, đến khi chia nhỏ gói ra thì trở tay không kịp. Một giáo sư từng là ủy viên một ủy ban của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra rằng, tư duy vẫn thích “ôm” việc lặt vặt thì làm sao Bộ này có thời gian để lo việc lớn.

Việc công bố kết quả thi vốn là chuyện quá nhỏ vậy mà lại thành chuyện lớn khiến thí sinh, phụ huynh nhốn nháo, cả xã hội lại “nóng” lên. Mục đích là không để có chuyện mua bán dữ liệu như đã xảy ra, tuy nhiên, chính các trường đại học đã cảnh báo nguy cơ “bỏ tất cả vào một rổ”, vì dữ liệu quá lớn và số lượng truy cập cùng lúc quá đông.

Từ một chuyện nhỏ lại gây ra “sóng lớn”, nói cho cùng là do người cầm lái. Kiểu quản lý “ôm” về một mối sẽ không tránh khỏi những hệ lụy cho thí sinh, phụ huynh và xã hội. Luật Giáo dục đã quy định rõ ràng, xét tuyển đại học là quyền tự chủ của các trường, sao Bộ GD-ĐT không mạnh tay trao cho họ mà cứ muốn “ôm” mãi?