Theo "nhịp đập" thị trường

ANTĐ - Với cơ chế tỷ giá có thể được điều chỉnh lên xuống hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ vọng sẽ “đánh tan” tâm lý găm giữ USD bám dai dẳng bấy lâu nay. Đây là một trong những vấn đề được giới doanh nghiệp rất quan tâm trong những ngày đầu năm 2016.

Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã rất kiên định giữ ổn định tỷ giá và xu hướng đó sẽ tiếp tục trong năm 2016.

Dự báo, năm nay, lạm phát sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp, đây là điều kiện thuận lợi để giảm mặt bằng lãi suất. Song, cơ hội này có đến hay không phụ thuộc nhiều vào sự biến động của tỷ giá hối đoái. Tâm lý đầu tư của người dân mang tính “bầy đàn” và thuận theo xu hướng. Kỳ vọng mức giá của VND trong tương lai được xây dựng trên cơ sở mức mất giá thực tế của VND trong quá khứ.

Bởi vậy, khi giá USD tăng sẽ kích thích người dân găm giữ USD nhiều hơn. Để giảm được lãi suất theo lạm phát, trước tiên, cần hạn chế tình trạng găm giữ USD. Cách hiệu quả là không phá giá đồng nội tệ nhiều, nói cách khác, ổn định tỷ giá là điều kiện cần để hạ lãi suất. Nếu năm 2016 USD chỉ tăng giá 2-3% so với VND, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo có thể giảm 0,5%.

Tuy nhiên, giảm bao nhiêu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào ý chí và sự kiên định của NHNN trong việc thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá và chống USD hóa đã đề ra. Phó Thống đốc NHNN khẳng định, quan điểm điều hành chính sách tỷ giá vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của VND, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Theo đó, NHNN sẽ công bố tỷ giá, nhưng khác ở chỗ, tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày. Tỷ giá được công bố trên cơ sở tham chiếu diễn biến của USD và một số đồng tiền trên thế giới; tham chiếu tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng. Cách thức điều hành tỷ giá này sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và thế giới...

Dưới góc nhìn của giới doanh nghiệp, năm 2016 sẽ có nhiều tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng như điều chỉnh giá các dịch vụ công và hàng hóa thiết yếu, giá điện sẽ tiếp tục tăng, lương cơ bản tăng… Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị, chính sách điều hành vĩ mô năm nay cần ưu tiên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn vay, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Một khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay khó giảm, doanh nghiệp làm sao giảm được chi phí đầu vào? Điều chỉnh tỷ giá lên, xuống theo “nhịp đập” thị trường và ổn định tỷ giá là điều kiện để hạ lãi suất, đó cũng là kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.