Thận trọng để không hối tiếc

ANTĐ - Trong những di tích, di sản của Thủ đô Hà Nội, có lẽ cây cầu Long Biên với tuổi thọ hàng trăm năm có một “số phận” long đong, lận đận nhất. Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để nói về nhiều dự án trong và ngoài nước với những dự toán đầu tư, tài trợ... để nâng cấp, đại tu, cứu cây cầu gắn bó máu thịt với người Hà Nội, với lịch sử oai hùng của Thủ đô. 

Dù sông Hồng đã bắc thêm dăm chiếc cầu hiện đại, hoành tráng, song cầu Long Biên vẫn là nhịp cầu mưu sinh thân thuộc, tiện lợi của hàng vạn người lao động. Cây cầu sắt mang vóc dáng như một dải lụa vắt qua sông Hồng, từng mang những “vết thương” không thể lành trong những cuộc chiến đấu kiên cường của người dân Thủ đô.

Nói đến Hà Nội, không thể không nhắc đến cầu Long Biên mềm mại những nhịp, dầm thép đã in dấu sâu đậm trong tâm trí, ký ức hàng triệu con tim. Mấy năm trước, đã từng có dự án táo bạo muốn “đóng khung kính”, biến cầu thành một viện bảo tàng. Còn có cả những ý tưởng rất lãng mạn, muốn cải tạo cầu trở thành sân khấu biểu diễn thời trang. Đó là chưa kể, nước Pháp, quê hương của công trình sư thiết kế cầu Long Biên cũng là người dựng lên tháp Eiffel nổi tiếng, đã từng có những đề xuất, tài trợ cho Hà Nội sửa sang cây cầu này… 

Sau bao lần “nâng lên, đặt xuống”, bàn luận, hội thảo, lập dự án, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được giao nhiệm vụ cứu cây cầu lịch sử. VNR đã thẩm định và phê duyệt dự án đại tu cầu vào cuối tháng 7-2014. Nhưng mới đây, Sở VH-TT&DL Hà Nội mới có văn bản gửi VNR đề nghị trong quá trình triển khai lập dự án, chủ đầu tư cần tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn về kiến trúc, văn hóa để đảm bảo khi cải tạo, nâng cấp vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa.

Người dân và công luận không lạm bàn “nội tình” của sự vụ này giữa các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu phải chờ thủ tục, cây cầu 100 năm tuổi này ngày càng “ốm yếu”, ọp ẹp thêm. Luồng ý kiến này cho rằng, việc cần làm ngay là phải “cứu” lấy di sản hiếm hoi này của Thủ đô, mọi chuyện bàn bạc sẽ hạ hồi phân giải sau. Việc đại tu cây cầu là cấp bách, chúng ta không thể bỏ mặc cầu Long Biên!

Thế nhưng, ở góc độ khác, những người yêu Hà Nội lại cho rằng, việc đại tu cầu đúng là cấp bách nhưng cũng không thể vội vã bởi những gì xóa đi sẽ không thể lấy lại. Chúng ta cứu cầu nhưng cũng phải làm sao để bên cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa của cây cầu gắn liền với hình ảnh Hà Nội không mất đi, thậm chí còn được tôn tạo, khẳng định thêm. Đại tu một công trình được dư luận xã hội quan tâm như vậy rõ ràng cần sự thận trọng để chúng ta không phải hối tiếc về sau.