Tham nhũng, thoát sao được

ANTĐ - Lưới trời lồng lộng. Cuối cùng thì các đơn vị nghiệp vụ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol đã tóm gọn một “con cá mập” trong vụ án tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD của Nhà nước. Đó là Giang Kim Đạt nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh một công ty của Tập đoàn Vinashin, sau khi bị khởi tố cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đã lẩn trốn ở nước ngoài hơn 5 năm nay.

Điều đáng nói trong “đại án” tham nhũng Vinashin, quá trình truy bắt đối tượng tham ô “cao thủ" này có lúc tưởng chừng  như vụ án đi vào ngõ cụt. Nhưng bằng sự giúp sức của hàng triệu tai mắt của nhân dân, bằng quyết tâm đấu tranh đến cùng tội phạm tham nhũng và sự sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã tìm ra nơi ẩn náu của đối tượng tham ô. Vụ án lại mở nút khi cơ quan An ninh điều tra nhận được một số nguồn tin về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỷ đồng đứng tên người thân của thủ phạm.

Qua xác minh, cơ quan an ninh phát hiện gia đình của đối tượng tham ô có hàng chục căn biệt thự, căn hộ cao cấp và đất đai ở các vị trí “đất vàng” rải rác trên khắp cả nước cùng với cả dàn ô tô đắt tiền. Khối lượng tài sản đồ sộ này đều có được sau khi Đạt ngồi trên ghế trưởng phòng kinh doanh. Đặc biệt, Tổng cục An ninh còn phát hiện giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của bố đẻ thủ phạm tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Số tiền này cũng kiếm chác được từ các hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của Vinashin. 

 Sau khi phát hiện nơi nghi vấn thủ phạm đang lẩn trốn ở nước ngoài, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục An ninh được phối hợp tương trợ tư pháp của Interpol và các cơ quan thực thi pháp luật của một số quốc gia đã bắt gọn Giang Kim Đạt, sau 1.825 ngày đêm truy nã.

Thuật lại quá trình điều tra, truy bắt thủ phạm vụ tham nhũng gây chú ý dư luận, có thể rút ra những bài học lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy khó khăn, thách thức. Tham nhũng càng lớn, số tiền càng nhiều thì thủ đoạn càng tinh vi, ranh ma, quỷ quyệt. Chẳng hạn, để che giấu hành vi, kẻ tham nhũng không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua người thân giao dịch  tại nhiều ngân hàng trong và ngoài nước.

Trong tổng số tiền 18,6 triệu USD rút ruột tham ô của Nhà nước, chính người thân của kẻ tham nhũng đã “rửa tiền” khi mua bất động sản, xe ô tô sang... Mọi thủ đoạn, hành vi, mánh lới, rốt cuộc không thể che mắt người dân và cơ quan công an. Dù “cao chạy xa bay”, lẩn trốn nơi gầm trời, cuối đất, những kẻ tham nhũng cũng khó thoát được mạng lưới pháp luật. 

Yêu cầu của nhân dân là phải ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Việc bắt gọn một con cá lớn tham ô, tham nhũng, bởi thế đương nhiên thu hút sự quan tâm của dư luận nhân dân. Pháp luật sẽ trừng trị thích đáng, có tính răn đe đối với tội phạm tham nhũng; đồng thời người dân còn mong muốn số tiền do tội phạm tham ô, tham nhũng mà có, cần phải được thu hồi lại ở mức tối đa.