Sức nóng đang áp sát

ANTĐ - Đúng 1 tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc, Bộ Công Thương Việt Nam cùng 11 nước thành viên đã chính thức công bố toàn văn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng tiếng Anh. Tùy theo quy định pháp luật của mình, mỗi quốc gia sẽ dành từ 60 - 90 ngày để người dân nghiên cứu trước khi ký kết chính thức, dự kiến sẽ không muộn hơn quý I - 2016. Như vậy, “sức nóng” từ TPP đang áp sát nền kinh tế cũng như giới doanh nghiệp Việt Nam và thời gian chờ TPP có hiệu lực không còn nhiều.

60 - 90 ngày là quãng thời gian quá đủ cho người dân tìm hiểu, nghiên cứu TPP. Song với nội lực, hành trang, vốn liếng hiện nay của doanh nghiệp các ngành: dệt may, da giày, thủy sản, chăn nuôi, xuất khẩu... thì khoảng thời gian đó lại quá gấp gáp. Đã có nhiều thông tin về sự hưởng lợi của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam ngay sau khi TPP có hiệu lực. Các mặt hàng nhạy cảm cũng đều có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị, kể cả nông sản, thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, ta cũng phải chịu sức ép rất lớn, bởi các nước thành viên TPP đều có ngành nông nghiệp hùng hậu. Một số nước lớn như Mỹ, Nhật Bản vừa công bố các nội dung cam kết TPP, trong đó họ nói rõ rằng, Việt Nam sẽ phải mở rộng thị trường cho nhiều nhóm hàng nông sản từ các nước trên. Khi đó, nếu nông sản nước ta không đáp ứng được tiêu chí chất lượng cao, giá rẻ và an toàn thì sẽ cực khó cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa. Một số chuyên gia nông nghiệp bày tỏ lo ngại về tâm lý tự mãn của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả nông dân về thành tích xuất khẩu nông sản.

Dù xuất khẩu thuộc nhóm hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, thanh long, nhưng ít ai dám nhìn thẳng vào sự thật là chất lượng của ta chưa thể đạt đỉnh thế giới. Tìm một nông sản Việt, ngay cả mặt hàng gạo, có thương hiệu nổi tiếng là rất hiếm. Bước vào TPP, người ta đấu với nhau bằng chất lượng, giá cả, hương vị và an toàn thực phẩm. Vấn đề gay gắt đặt ra là, phải thay đổi tư duy ngắn hạn, tư tưởng thích làm ăn nhỏ lẻ, sản phẩm kém lại muốn bán giá cao.

Sức nóng TPP đang đến rất gần, Việt Nam có phần được ưu ái hơn khi lộ trình cắt giảm thuế suất cho các nông sản từ các nước thành viên TPP dài hơn và linh hoạt hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể đủng đỉnh “đợi nước đến chân mới nhảy”, bởi trước mắt vẫn còn rào cản cực lớn và khó vượt qua. Đó chính là: chất lượng và giá thành sản phẩm.