Sức ép đè lên tỷ giá

ANTĐ - Thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sau khi Trung Quốc 3 lần phá giá Nhân dân tệ (NDT). 

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố ngừng phá giá NTD và bác bỏ cáo buộc nước này muốn châm ngòi một cuộc chiến tranh tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quốc tế lại cho rằng, họ nói một đằng làm một nẻo. Có nhiều khả năng NDT sẽ tiếp tục phá giá vào cuối năm 2015.

Giới chuyên gia cảnh báo các đồng tiền khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang đứng trước nguy cơ sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1998 đến nay. VND của Việt Nam cũng không nằm ngoài cơn sóng phá giá từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, VND vẫn được “neo” chặt vào USD, các giao dịch của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều “trói chặt” vào tỷ giá VND/USD. Theo công bố, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là 37 tỷ USD, chỉ tăng 1 tỷ USD so với cuối năm 2014.

Phân tích diễn biến tình hình cũng như sự ứng biến linh hoạt về tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, phần còn lại của thế giới không ngồi yên. Nhật Bản, EU đã có những đối sách. Cục dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã cân nhắc thay đổi lãi suất. Nền kinh tế nước ta tất nhiên cũng cần tăng sức đề kháng, củng cố sự vững chắc của cán cân thanh toán.

 Chính sách thương mại khôn ngoan mà các nước đang sử dụng là dựng hàng rào phi thuế quan, chứ không chỉ trông vào tỷ giá hối đoái. Quan trọng hơn là phải tận dụng được cơ hội trong khó khăn. Có thông tin hàng trăm tỷ USD đã “chảy” ra khỏi Trung Quốc. Liệu chúng ta có thể “đón lõng” dòng vốn này hay không?

Giới chuyên gia từng ví, tỷ giá như con dao hai lưỡi. Việc phá giá đồng tiền phải hết sức thận trọng. Nếu không khéo sẽ “đứt tay”, gây rối loạn thị trường vàng, đẩy giá USD trên thị trường tự do, tạo sức ép ngược lên tỷ giá. Với kinh nghiệm xử lý linh hoạt tỷ giá, hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ lường trước rủi ro, có những giải pháp căn cơ để giảm sức ép đè lên tỷ giá, đồng thời tăng sức đề kháng cho nền kinh tế.