Sớm khơi thông “điểm nghẽn”

ANTĐ - Nợ xấu lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều, được Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví như “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào vòng xoáy cực kỳ khó khăn. Nó hình thành một cái “bẫy” mà nhiều doanh nghiệp không thể thoát ra được. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, chỉ trong năm 2011 và 8 tháng của năm 2012, số doanh nghiệp phá sản và đóng cửa lên tới 88.500 doanh nghiệp, chiếm tới hơn 40% tổng số doanh nghiệp “sập tiệm” kể từ hồi đổi mới đến nay.

Con số trên quả thật là ảm đạm nhưng chưa phản ánh hết mức độ “bi đát” của giới doanh nghiệp trong bức tranh kinh tế hiện nay. Bởi vì còn một thực trạng chưa được tính đến là, số doanh nghiệp còn tồn tại đã, đang và sẽ phải thu hẹp bao nhiêu công suất hoạt động và cắt giảm bao nhiêu lao động? Hệ lụy mất nhiều việc làm sẽ dẫn đến sụt giảm lương, thu nhập, tất yếu kéo theo tổng cầu giảm mạnh, sức mua trì trệ. Thực trạng nợ xấu của nền kinh tế lên tới hơn 202.000 tỷ đồng; hàng tồn kho chất cao ngất là bất động sản với khoảng 70.000 căn hộ “đắp chiếu”. Một chuyên gia tính toán, nếu mỗi căn bỏ rẻ khoảng 2 tỷ đồng, nghĩa là đã có 140 tỷ đồng bị chôn vùi tại đây. Ngồi trên đống hàng tồn kho nên doanh nghiệp không thể thu hồi nổi vốn, không thể trả nợ ngân hàng. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, nợ xấu chồng chất. Vị chuyên gia này ước tính, chí ít phải mất 7 năm may ra mới giải tỏa được “cục máu đông này”.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này bắt nguồn từ mấy năm trước, là hệ quả của cuộc chạy đua theo quá nhiều mục tiêu và lợi nhuận. Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn vừa là “tội đồ” vừa là “nạn nhân”. Còn các doanh nghiệp nhỏ hầu như chỉ là nạn nhân. Điều quan trọng là làm sao “bơm” được tín dụng cho khối doanh nghiệp sản xuất đang “đói khát” vốn nhưng có năng lực sản xuất và có thị trường tiêu thụ.

Một số chuyên gia đề xuất rằng, nên mạnh dạn cho các doanh nghiệp có hàng tồn kho nhưng nhất thời rơi vào nợ xấu, được khoanh nợ, vay vốn mới để kinh doanh lấy lãi trả nợ cũ. Suy cho cùng, tồn kho cao chính là do sức tiêu thụ thấp, thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tăng trưởng tiêu thụ trong nước cao lên sẽ góp phần làm cho tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến tuy còn cao nhưng đã chậm dần từ 29,4% đầu tháng 5 xuống còn 20,8% đầu tháng 8 vừa qua. Dịch vụ tiêu dùng thấp, chủ yếu do thu nhập, sức mua của người dân còn thấp, họ còn phải tập trung mua những mặt hàng thuần túy để đáp ứng nhu cầu cơ bản. Điều đó chứng tỏ, khi lạm phát còn cao, thu nhập còn thấp thì đương nhiên chi tiêu của người dân cũng “co bóp” lại. Tốc độ tăng dần lên của bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng mới chỉ là dấu hiệu, một trong những yếu tố để ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế. Muốn tăng trưởng thực sự “thoát đáy, vượt dốc” đi lên, cần phải đẩy mạnh, tiếp sức cho tiêu thụ trong nước.

Tăng sức tiêu thụ trong nước, chính là giải pháp hữu hiệu nhất để sớm khơi thông “điểm nghẽn” hàng tồn kho. Kinh nghiệm cho thấy, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bán thấp hơn thị trường. Dù có thiệt chút ít nhưng còn hơn thiệt hại do vốn ứ đọng, lãi suất vay còn cao. Chưa nói đến thu hồi và quay vòng vốn nhanh hơn sẽ “đẻ ra” thêm lợi nhuận.