Rút kinh nghiệm rồi để đấy?!

ANTĐ - Dù lớn hay nhỏ, đã có năm nào nước ta chưa phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai gây ra? Cả dải đất hình chữ S triền miên gồng mình chống chọi với hàng chục cơn bão, kéo theo mưa lũ, lụt lội mỗi năm. Song một câu hỏi nhức nhối đã được đặt ra mà tới nay vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo: Vì sao những thiệt hại về người, tài sản, vật chất vẫn “lặp lại” ở mức độ trầm trọng hơn, đau xót hơn?

Đành rằng sự biến đổi khí hậu sự trái khoáy, thay đổi quy luật của thời tiết là hết sức khó lường. Mấy năm trước, thiên tai luôn đổ xuống các tỉnh ven biển, nhất là miền Trung, nhưng gần đây thảm họa lại giáng xuống vùng miền núi phía Bắc. Thậm chí chỉ là rớt bão, không giông lốc hoặc mưa vừa, mưa to kéo dài là kéo theo tai họa sạt lở đất đá chôn vùi, cuốn trôi bao sinh mạng, phá hủy đường giao thông, đường điện, chia cắt và cô lập các khu dân cư. Hàng trăm ngôi nhà, công trình xây dựng, trường học, cơ sở y tế cùng tài sản của người dân bị tàn phá tan hoang hơn cả thời chiến tranh. 

“Nhất thủy, nhì hỏa...”, không lẽ bây giờ chúng ta vẫn chưa thấm thía lời răn dạy và cũng là lời cảnh tỉnh của cha ông từ mấy ngàn năm trước. Bây giờ đã có cả một trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, thông tin được kết nối, phủ sóng. Có hàng loạt biện pháp phòng chống thiên tai, cứu hộ như “bốn tại chỗ” cùng với sự chung sức, chung tay hết sức hiệu quả của lực lượng quân đội, công an. Dẫu vậy cũng phải thẳng thắn thừa nhận, có nơi, có lúc, có tỉnh dù đã chỉ đạo đưa dân đến nơi an toàn, song chính quyền cơ sở “đủng đỉnh”, thiếu cương quyết nên nước đến chân không kịp nhảy, đất đá, rác thải rắn ập xuống đầu, dân không kịp thoát thân. Thiên tai không chừa một ai và bao giờ cũng bất ngờ, chủ quan một chút, bị động, lúng túng, lập tức phải hứng chịu hậu quả thảm khốc ngay.

Trong khi mưa lũ đang trút xuống 6 tỉnh biên giới phía Bắc, trong khi đang phải huy động mọi lực lượng, phương tiện để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả, hỗ trợ đồng bào ổn định phần nào cuộc sống, thật không phải lúc để quy kết trách nhiệm hoặc đổ tại thiên tai hay con người.

Tuy nhiên, có thể nói thẳng rằng chính chúng ta hôm nay đang phải trả giá cho tình trạng phá rừng đầu nguồn, rừng sinh thái khiến thảm thực vật mỏng dính, cây rừng không đủ sức giữ nước, cản bớt nước mưa. Chưa kể, nhiều tuyến đường bị cắt xẻ ta luy, các khe núi, thung lũng, ven suối, sông bị đục khoét, đào bới tan hoang để khai thác khoáng sản vô tội vạ. Có câu: “Trời hại không bằng người hại”.

Thảm họa thiên tai luôn ngoài sức tưởng tượng cũng như khả năng phòng chống của con người. Thế nhưng, thiên tai không có nghĩa là đành bó tay. Lâu nay, sau mỗi trận bão, mưa lũ lịch sử bao giờ cũng có những cuộc họp tổng kết thiệt hại, đặc biệt là rút kinh nghiệm. Đó là việc cần làm, nhưng kinh nghiệm xương máu, đau xót liệu đúc rút được bao nhiêu hay rút ra rồi để đấy và lần sau… rút tiếp?