Nước chưa đến chân, chưa nhảy?

ANTĐ - Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước vừa được thông qua, là một trong ba đề án trụ cột để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Đề án đã đề ra lộ trình cho ba nhóm doanh nghiệp, trong đó nhóm 3, thua lỗ kéo dài phải chuyển đổi mô hình hoặc phá sản, giải thể vẫn chưa có lối thoát. Cuộc hội thảo “Tái cấu trúc doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra, tập trung “mổ xẻ” từ quản trị, chiến lược tới tài chính và nhân sự doanh nghiệp.

Một giáo sư trường Đại học Harvard (Mỹ) chỉ rõ, có hai loại tái cấu trúc: thụ động và chủ động. Loại tái cấu trúc thụ động là chờ “nước đến chân mới nhảy”, khi có khủng hoảng mới bắt đầu tái cấu trúc. Doanh nghiệp thường lúng túng không biết làm gì để sống sót, tồn tại. Loại chủ động là những hoạt động ứng phó trước thách thức, tìm lời giải cho câu hỏi phải làm gì để tiếp tục phát triển lâu dài.

Điều hết sức quan trọng là, nếu lãnh đạo doanh nghiệp chỉ quan tâm đến quyền lợi của giới lãnh đạo và quyền lợi của cổ đông thì tái cấu trúc thường “gặt hái” kết quả xấu. Nếu lãnh đạo xem xét tới cả quyền lợi của người lao động, cộng đồng doanh nghiệp thì kết quả sẽ tốt đẹp. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, nếu một doanh nghiệp cắt giảm 10% lao động thì tối đa cũng chỉ cắt giảm được 15% chi phí. Ngoài yếu tố tiền lương, có nhiều yếu tố khiến người lao động hào hứng với công việc mà lãnh đạo thường bỏ quên.

Kết quả điều tra cho thấy, 40% sự hài lòng trong công việc đến từ thành tích, 30% là được lãnh đạo quan tâm, 20% là bản chất công việc, 20% là trách nhiệm, 10% là cơ hội thăng tiến. Một chuyên gia đã ví, đòi hỏi tất yếu các doanh nghiệp phải tái cấu trúc giống như con rắn phải lột xác. Nếu không nó sẽ không thể lớn được và sẽ chết. Một phó giám đốc tổng công ty lại so sánh nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang trở thành một “nồi lẩu thập cẩm” do đầu tư dàn trải, thiếu tập trung mà không chú trọng đến hiệu quả đầu tư. Doanh nghiệp xoay xở mọi cách để vay ngắn hạn đã chuyển thành dài hạn.

Do vậy, doanh nghiệp phải chấp nhận “đau đớn”, hy sinh, thay đổi từ quản lý đến nhân sự. Một tiến sĩ kinh tế đưa ra hình ảnh tái cấu trúc doanh nghiệp như một đoàn xe đang nối đuôi nhau chạy. Nhóm xe thứ 3 bị hỏng nặng khiến cả đoàn ùn tắc, “tiến thoái lưỡng nan”. Nhóm thứ 3 có bao nhiêu doanh nghiệp, “sức khỏe” ra sao, lối thoát ở đâu? Những câu hỏi này chỉ được giải đáp rất chung chung. Cho đến nay, Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp vẫn “mỏi mắt” đợi các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nộp đầy đủ đề án tái cấu trúc mới nắm được số liệu thực tế. Công ty Mua bán nợ Việt Nam cũng chỉ nắm được một phần sự thật, chứ không có được bảng tổng kiểm tra toàn diện thể trạng doanh nghiệp, công nợ tồn đọng, tình trạng thua lỗ, “ốm yếu, bệnh tật” như thế nào.

Việc nhập nhằng giữa vai trò quản lý Nhà nước và chủ sở hữu là một trong số tồn tại lớn nhất và dai dẳng nhất. Tái cấu trúc phải trở thành nhu cầu thực sự cấp bách của các doanh nghiệp Nhà nước. Liệu họ đã chủ động chưa hay là nước vẫn chưa đến chân nên chưa nhảy?