Người dân cần sự minh bạch

ANTĐ - Cuộc tranh luận về xây dựng biểu giá điện vẫn tiếp tục giằng co, chưa thể ngã ngũ. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã “mổ xẻ” những bất hợp lý của dự thảo các phương án về biểu giá điện. Một nhận định chung được rút ra đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận là giá điện luôn được “tính toán” để đảm bảo lợi ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, biểu giá điện do EVN đưa ra lấy ý kiến ở các hội thảo vừa qua vẫn là một bản nghiên cứu giản đơn, nặng về phục vụ lợi ích cho nhà sản xuất, chưa thể hiện đầy đủ khía cạnh đảm bảo tính công bằng giữa sản xuất và tiêu dùng. Cả 3 phương án còn phiến diện, chưa đủ căn cứ khoa học đối với người làm chính sách. Cái thiếu công bằng lớn nhất là gì? Đó là biểu giá điện mà EVN dự thảo suy đến cùng vẫn bảo vệ nguyên vẹn lợi ích của EVN trong mọi tình huống, do đó khó có sự thỏa mãn của các hộ tiêu dùng.

EVN chưa trả lời được câu hỏi: Vì sao áp dụng biện pháp hạn chế sử dụng điện với người tiêu dùng mà chưa thấy biện pháp bắt buộc tiết kiệm với ngành điện? Hơn thế, EVN cũng chưa giải quyết thấu đáo, có cơ sở khoa học 2 vấn đề lớn gây bức xúc hiện nay: giá theo cơ chế thị trường và giá để khuyến khích tiết kiệm điện. Cùng với đó, EVN chưa xử lý triệt để nhược điểm của phương án giá điện lũy tiến, làm sao khắc phục được những tồn tại như ghi số điện không chính xác, công tơ chạy sai… Tại sao mỗi lần điều chỉnh giá điện, sự đồng thuận của người dân không cao? Câu trả lời thật đơn giản là vì ngành điện độc quyền còn rất lớn. Một vị đại biểu Quốc hội phản ánh,cử tri bức xúc, muốn bỏ từ “thượng đế” vì chưa được đối xử công bằng.

Trong khi đó, việc xây dựng biểu giá điện chưa xem xét tới nhiều yếu tố như tổn thất truyền tải điện, các loại phí điều độ, vận hành thị trường và yếu tố tiền lương trong giá điện. Tính giá điện phải dựa trên cơ sở giá thành, nhưng giá thành là bao nhiêu thì người dân không biết nên dựa vào đâu để xác định giá bán cao hay thấp? Đại diện Hội khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiều thông tư, văn bản đang tạo cơ chế thoáng, có lợi cho EVN, dẫn tới bất lợi cho môi trường cạnh tranh chưa hoàn thiện.

Theo đề xuất của giới chuyên gia, nên áp dụng biểu giá điện đồng giá nhưng có tính tới hỗ trợ cho người nghèo, đồng thời có biện pháp buộc EVN giảm tổn thất điện năng, giảm giá thành, giảm sức ép tăng giá điện. Điều mong mỏi duy nhất của người dân là giá điện phải minh bạch, công bằng. Được biết, một số đơn vị thuộc EVN đã mời người dân đi giám sát ghi công tơ. Song, công tơ treo cao, kiểm tra chủ yếu trong giờ hành chính, chỉ có người già, trẻ con ở nhà, nên không  thể trèo lên giám sát!?