Mâu thuẫn khó giải thích

ANTĐ - Trong khi nhóm cán bộ, công chức, chính quyền địa phương hài lòng thì nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn còn bức xúc về tốc độ cải cách chậm, chính sách bình ổn giá chưa hiệu quả, nhất là môi trường cạnh tranh giá điện, xăng dầu chưa theo kịp cơ chế thị trường...

Kết quả khảo sát “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới vừa công bố có nhiều điểm vừa đáng ngạc nhiên vừa đáng quan ngại.

Trong khi nhóm cán bộ, công chức, chính quyền địa phương hài lòng thì nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn còn bức xúc về tốc độ cải cách chậm, chính sách bình ổn giá chưa hiệu quả, nhất là môi trường cạnh tranh giá điện, xăng dầu chưa theo kịp cơ chế thị trường.

Kết quả khảo sát gây ngạc nhiên nhưng không quá bất ngờ. Trên 80% ý kiến được hỏi ủng hộ xây dựng nền kinh tế thị trường song cũng có tới 75% ý kiến vẫn muốn có sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, kể cả gạo và thực phẩm.

Điều này tưởng như mâu thuẫn khó giải thích nhưng theo một chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, kết quả này phần nào cho thấy việc vận hành nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.

Vì thế, người dân có tâm lý mong chờ sự can thiệp của Nhà nước để được hưởng lợi. Dù vậy, kết quả khảo sát cũng chỉ ra một thực tế là người dân không đánh giá cao sự can thiệp của Nhà nước qua công cụ bình ổn giá, bình ổn thị trường.

Đáng lưu ý, khảo sát cho thấy, một bộ phận người dân đang phân vân không hiểu nền kinh tế trong nước liệu đã phải là kinh tế thị trường hay chưa? Có tới 36% người trả lời vẫn là nền kinh tế Nhà nước, chỉ có 49% đồng tình kinh tế Việt Nam hiện nay là kinh tế thị trường.

Bình luận thêm về điều này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng quan điểm cho rằng, kết quả này là không bình thường. Bởi phần lớn người dân, doanh nghiệp tuy rất “thích” thị trường hóa, song vẫn muốn Nhà nước can thiệp thì vẫn là nền kinh tế đang chuyển đổi chứ chưa phải kinh tế thị trường. Mặt khác, thị trường còn nhiều rủi ro, bất ổn thì người dân vẫn muốn dựa vào Nhà nước là dễ hiểu.

Cuộc khảo sát này có thể coi là thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vào sự điều hành của Nhà nước trên chặng đường tiến tới đích kinh tế thị trường. Dân cần Nhà nước can thiệp vì họ tin vào cơ chế thị trường nhưng không tin vào doanh nghiệp cụ thể.

Những mâu thuẫn bộc lộ qua cuộc khảo sát chứng tỏ, kinh tế thị trường mới chỉ đi được nửa đường. Nếu không cải cách quyết liệt, thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, nền kinh tế còn lâu mới thoát khỏi tình trạng nửa vời.