Lời khuyến cáo có ích

ANTĐ - Văn phòng Chính phủ đã có một cuộc hội thảo có tính chất tham vấn với Ngân hàng Thế giới (WB) và đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trao đổi về yêu cầu của Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu những “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam.

Trưởng ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, ngay trong quý I này, có 21 tập đoàn, tổng công ty lớn phải trình Chính phủ đề án tái cấu trúc. Trong quý II tới, 21 đề án sẽ được phê duyệt và triển khai ngay từ năm 2012 đến năm 2015. Ông trưởng ban bày tỏ lo ngại vì, để có 21 bản đề án đúng thời hạn, có chất lượng cao là công việc không dễ dàng. Giờ đã gần hết tháng 2, nếu tính trung bình cứ hai ngày hoàn thành một đề án thì tính khả thi sẽ bị hạn chế.

Mặc dù cổ phần hóa hay tái cấu trúc là hai cách làm khác nhau, nhưng nhìn là tiến trình cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty trước đây thì thấy rõ muốn làm nhanh cũng khó. Có nhiều tổng công ty phải mất hàng năm để cổ phần hóa. Mỗi khâu từ định giá, kiểm toán, rồi giải bài toán lao động dư thừa… có thể mất đứt cả năm trời. Cho nên, theo ông trưởng ban, có thể nhìn thấy trước, nếu chưa tìm được cách thức tái cấu trúc đúng đắn, khoa học thì kết quả khó đạt được yêu cầu.

Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu tập trung tái cơ cấu vào ba điểm mấu chốt. Một là hoàn thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường. Hai là thúc đẩy, xây dựng cơ chế để thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu. Ba là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động đầu tư của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước. Không phân biệt cấp quản lý, cơ quan quản lý sẽ mở rộng tái cấu trúc cả các đơn vị thành viên của các tập đoàn, tổng công ty. Chính phủ cũng yêu cầu phân ra các nhóm khác nhau, có nhóm tái cấu trúc trước cổ phần hóa, có nhóm sau cổ phần hóa vẫn thực hiện tái cấu trúc.

Theo vị kinh tế trưởng của WB có tới mười lý do để tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Lý do cơ bản nhất là hoạt động kém hiệu quả so với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Song băn khoăn lớn nhất là mục tiêu, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu. Đặt mục tiêu tái cơ cấu để các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là nòng cốt trong nền kinh tế, trong khi thực tiễn đã chứng minh nhiều “ông nhỏ” không thể cáng đáng nổi vai trò đó như Tổng công ty thép, Tổng công ty xi măng, các tổng công ty lương thực… khi thị trường biến động, không thấy “đóng vai” trò trụ cột, có khả năng can thiệp, điều tiết thị trường. Hoặc như đặt yêu cầu tái cơ cấu nhanh và hiệu quả, thế nhưng các tập đoàn, tổng công ty vẫn được “nuôi dưỡng” trong môi trường thiếu tính cạnh tranh. Trong một báo cáo mới đây của WB, cho thấy Trung Quốc cũng đang đứng trước những thách thức còn lớn hơn Việt Nam về hoạt động kém hiệu quả, hoạt động kinh doanh ngoài ngành và sự độc quyền của các tập đoàn Nhà nước.

Chủ tịch WB khuyến cáo Trung Quốc cần hạn chế vai trò của các tập đoàn, “phá vỡ” vai trò độc quyền, giám sát hoạt động kinh doanh, buộc họ phải ngừng các hoạt động kinh doanh ngoài ngành và đa dạng hóa sở hữu. WB đặc biệt cảnh báo Chính phủ nước này: Hãy ngừng “nuông chiều” quá mức các tập đoàn Nhà nước, nếu không sẽ phải đối mặt với khủng hoảng. Cách duy nhất để thoát khỏi viễn cảnh u ám này là cải tổ sâu rộng hệ thống kinh tế. Một lời khuyến cáo có ích không chỉ tốt cho riêng một quốc gia. Rất may là công cuộc tái cơ cấu của nước ta đi theo đúng hướng đó.