Không thể thụt lùi

ANTĐ - Thảo luận căng thẳng, phân tích trên cơ sở hội đủ thông tin cũng như phản hồi của giới doanh nghiệp, cuối cùng các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa thể “bấm nút” đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do mức dự kiến đưa ra giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện giới sử dụng lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện người lao động, có mức chênh lệch khó “kê” cho bằng.

Đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch VCCI đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là trên 10%. Thế nhưng, trước phiên thảo luận này, vị Chủ tịch VCCI lại đột ngột thay đổi, đưa ra mức tăng lương chỉ từ 6-7%. Lý do được đưa ra là vì các doanh nghiệp đang rất khó khăn, có đến 70% kinh doanh không có lãi, tăng lương lúc này đối với họ là một gánh nặng lớn. Đứng về phía chủ sử dụng lao động, mức tăng lương trên được cho là hợp lý, có thể “vui vẻ” chấp nhận.

Còn về phía người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không thể đồng tình, bởi trước đó Tổng Liên đoàn đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 16,5% (từ 350.000 – 550.000 đồng/tháng). Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn bức xúc nói, công nhân khổ quá rồi, năm qua tiền điện tăng hơn 10%, tiền nước, tiền nhà, mọi chi phí khác đều tăng.

Trong khi đó, kinh tế đang sáng sủa hơn, GDP tăng, quy mô sản xuất của doanh nghiệp phát triển hơn mà mức tăng lương của người lao động lại thụt lùi so với năm nay là không được. Thực ra, mức tăng 16,5% tưởng là lớn, nhưng cũng chỉ đáp ứng 87-89% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Còn với mức đề xuất của đại diện giới chủ sử dụng lao động đưa ra, chắc chắn còn lâu mới đạt được mục tiêu đến năm 2018, lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của hàng triệu người lao động.

Đã có nhiều tranh cãi “nảy lửa” xung quanh vấn đề lương tối thiểu có đáp ứng được mức sống tối thiểu hay chưa? Đáp ứng được bao nhiêu phần trăm? Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Hội đồng tiền lương quốc gia đã mời chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu mức sống tối thiểu thành mức chuẩn, từ đó mới có thể quyết định mọi vấn đề.

Tới nay, đã có nhiều ý kiến khác nhau về mức sống tối thiểu. Phía nào cũng có ý kiến của riêng mình. Chưa biết đến bao giờ mọi ý kiến, quan điểm mới “gặp nhau”? Chỉ nên nhớ rằng, một trong ba tiêu chí quan trọng nhất để tăng lương tối thiểu là phải bù đắp được sự mất giá trị của đồng tiền.

Theo dự báo của tổ chuyên gia tư vấn, từ năm 2014 – 2018, nếu mỗi năm trượt giá khoảng 7%, thì mức sống tối thiểu ngày cách xa mức lương tối thiểu. Không chỉ hiện tại mà cả những năm tới, lương chỉ vừa đủ ăn. Nếu người lao động không vắt sức làm thêm ca, thêm giờ, chắc họ chỉ dám sống một mình.