Không tái diễn "kịch bản"

ANTĐ - Tất  cả các trường đại học đã công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển đợt xét tuyển đại học, cao đẳng nguyện vọng 1. Theo đó, điểm chuẩn nhiều trường tăng cao, có ngành tăng 4-5 điểm. Bước vào chặng tiếp theo, dư luận đang lo, liệu có căng thẳng đến mức “vỡ trận” khiến thí sinh hoang mang, phụ huynh cũng “mất ăn, mất ngủ” như đợt 1? Thí sinh, phụ huynh cũng như dư luận xã hội đang hy vọng mọi sự sẽ không tái diễn khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhận trách nhiệm và đã có những điều chỉnh kịp thời.

Bộ GD-ĐT vừa gửi công văn tới các đơn vị đào tạo và các Sở GD-ĐT chỉ đạo rút ngắn thời gian các đợt xét tuyển chứ không kéo dài lê thê tới 20 ngày như đợt 1. Cụ thể, đợt 2 sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trong 12 ngày và công bố kết quả trúng tuyển sau 2 ngày.

Đợt 3 nhận đăng ký xét tuyển trong vòng 10 ngày và công bố kết quả sau 2 ngày. Rút ngắn thời gian tức là kéo ngắn lại sự chầu chực, không chỉ giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng, vật vã của thí sinh và phụ huynh, mà còn không đẩy hàng vạn người rơi vào tình cảnh rút-nộp hồ sơ đầy may rủi như “chơi” chứng khoán mà dư luận từng ví von. Mặc dù không đổ lỗi do “trục trặc” kỹ thuật, nhưng ngành giáo dục đã có sự lúng túng trong việc xử lý hồ sơ của hàng chục vạn thí sinh.

Đó là chưa kể, những “bậc thầy” về công nghệ thông tin cũng trở thành “thợ vụng” trong việc xử lý, công bố và cập nhật thông tin cho thí sinh. Bài học kinh nghiệm từ cuộc xét tuyển đợt 1 đã đem lại những kinh nghiệm “xương máu” không chỉ ở tầm quản lý vĩ mô các trường đại học mà ngay cả với thí sinh và phụ huynh. Không ít nhà giáo tâm huyết đã nhận xét thẳng thắn rằng, việc xét tuyển năm nay có thể đẩy nhiều thí sinh vào những ngành mà các em không yêu thích.

Thí sinh chạy lòng vòng khắp nơi miễn là đỗ đại học mà không cần biết ngành đó có phù hợp với mình hay không. Bản thân lớp trẻ cũng không được trang bị kiến thức, kỹ năng mềm nên hết sức mông lung trước ngưỡng cửa cuộc đời. Ngay sau lưng là áp lực của gia đình phải lọt vào cổng trường đại học bằng mọi giá.

Việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia được dư luận định giá là tốt, nhưng chỉ ở đoạn xuất phát. Đến đoạn đăng ký xét tuyển quan trọng nhất thì không được như mong muốn. Tuy nhiên, không thể xóa bỏ, phủ nhận toàn bộ những kết quả tích cực. Vẫn còn thời gian và “dư địa” để chỉnh sửa. Đương nhiên, chúng ta không thể coi đây là một cuộc “thí nghiệm”. Không để tái diễn “kịch bản” cũ, chắc chắn là trách nhiệm của ngành giáo dục và cũng có một phần của thí sinh và những người làm cha mẹ.