Hài hòa lợi ích

ANTĐ - Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2016 vẫn “bất động” so với tháng 12-2015. Đây có thể xem là hiện tượng bất thường bởi nhu cầu mua sắm phải tăng mạnh dịp cuối năm. Vậy làm cách nào để kích cầu, tăng sức mua trên thị trường, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh?

Nhìn lại những năm trước, tháng giáp Tết, chỉ số CPI thường tăng tương đối mạnh. Đơn cử, năm 2012, CPI tăng 1%, năm 2013 tăng 1,25% và năm 2014 tăng 0,69%. Trong khi đó, tháng 1 năm nay, nhóm hàng giao thông lại “âm” 2,82% sau những đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp. Ngược lại, có tới 9/11 nhóm hàng tăng giá nhưng mức tăng rất thấp dù phải chịu tác động của nhu cầu mua sắm dịp Tết. Dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,25%, hàng may mặc, giày dép tăng 0,37%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%.

Theo phân tích của các chuyên gia thị trường, CPI giảm là do giá xăng dầu giảm song lại không tương xứng với những gì mà nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân kỳ vọng. Lẽ ra nhóm hàng giao thông phải giảm mạnh hơn so với đà lao dốc của giá dầu thế giới, nhưng trong suốt cả tháng, giá dịch vụ vận tải hầu như đứng yên hoặc giảm nhỏ giọt. Người dân, doanh nghiệp không chỉ bức xúc vì teo tóp túi tiền hàng ngày mà tình trạng này còn gây ra sức ép rất lớn cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa dịp cao điểm phục vụ Tết cũng như đi lại cuối năm.

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, giá dầu thô thế giới giảm tới hơn 40% so với cuối năm ngoái nhưng giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm 12% và giá dầu chỉ giảm 30%. Nhiều chuyên gia cho rằng, còn nhiều bất hợp lý trong điều hành giá xăng dầu hiện nay, nhất là các quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu, quản lý hoa hồng đại lý, trích lợi nhuận định mức… cần được sửa đổi để người dân, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhận định, trong thời gian tới, Bộ này sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu cập nhật hàng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ lên, xuống theo giá thế giới. Doanh nghiệp mua giá cao sẽ bán giá cao, mua rẻ sẽ bán rẻ.

Còn một tồn tại vô lý nữa là nguồn trích quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ thu từ người tiêu dùng, trong khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không phải trích nộp 1 đồng nào dù được hưởng mức lợi nhuận cố định 300 đồng/lít. Rõ ràng, việc chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa hài hòa.

Tết đến, đáng ra sức cầu phải tăng mạnh, người dân phải mua sắm nhiều hơn, chi tiêu mạnh tay hơn. CPI “bất động” trong dịp này chưa chắc đã là điều hay. Cơ quan quản lý cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong dịp đầu năm mới.