Hạ lãi suất, tất yếu

ANTĐ - Giới doanh nghiệp hồ hởi đón tin vui ngân hàng cam kết hạ lãi suất vay với mức giảm 0,5-1%/năm, nhưng cũng tỏ ra hoài nghi: liệu lãi vay có giảm thực trên diện rộng hay không, khi nhiều ngân hàng đã “trót” mạnh tay huy động ở mức cao?

Cả nền kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp đã “nín thở” chờ đợi việc giảm lãi vay 1% mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hứa trong Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp cuối tháng 4 vừa qua để tiếp sức cho họ vượt khó. Ngay sau thông điệp của Thống đốc, 4 ngân hàng “anh cả” đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay 0,3 - 0,5%/năm.

Trong cuộc đối thoại này, giới doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bày tỏ mong mỏi được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ. Một thống kê cho thấy, nếu như 76% doanh nghiệp lớn vay được vốn từ ngân hàng, thì tỷ lệ này dành cho doanh nghiệp nhỏ là 60%, doanh nghiệp vừa là 72% và doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ là 38%. Nguyên nhân muôn thuở chủ yếu vẫn là bên vay bắt buộc phải có tài sản thế chấp, mà thủ tục vay lại rất phiền hà. Bởi vậy, sự kiện giới nhà băng đồng loạt phát đi tín hiệu hạ lãi suất vay đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang “vật lộn” chống đỡ với chi phí cao và hàng tồn kho lớn.

Tuy vậy, so với các nước trong ASEAN thì chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cao hơn, khiến họ giảm sức cạnh tranh, thua thiệt khi tham gia hội nhập. Hơn thế, không ít doanh nghiệp tỏ ra e ngại khi các gói vay của ngân hàng đều có hạn mức cụ thể và để tiếp cận được vẫn còn phải vượt qua nhiều rào cản. Hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là giảm lãi suất mà còn phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp khác. Trước hết, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới khởi nghiệp nên giảm thuế giá trị gia tăng cho máy móc, thiết bị, giảm thuế đánh trên các khoản đầu tư. Tiếp đó, giảm và loại trừ các loại phí, lệ phí cao hoặc phí thu chưa đúng quy định.

Đặc biệt là “nói không” với những đòi hỏi tăng phí vô lý vẫn đang được đề xuất ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Chi phí “bôi trơn” không chính thức chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong hoạt động của các doanh nghiệp, vì vậy phải quyết liệt giảm chi phí này, đồng thời kéo giảm các chi phí chính thức. Có như vậy mới tăng được sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, chứ không chỉ trông mong vào việc giảm lãi suất.

Thời gian qua mặc dù tín dụng tăng mạnh, song cầu tín dụng trong sản xuất kinh doanh còn yếu, nếu ngân hàng không hạ lãi suất thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn. Hạ lãi suất là tất yếu, vừa để cứu doanh nghiệp, vừa để ngân hàng tự cứu mình. Hạ lãi suất không phải là theo mệnh lệnh hành chính, đây là mệnh lệnh của nền kinh tế, của chính cộng đồng doanh nghiệp.